Sau gần ba tuần diễn ra cuộc đàm phán chính thức đầu tiên giữa liên đảng bảo thủ và đảng trung tả, tiến trình thành lập chính phủ ở Đức giữa đảng Liên minh Dân chủ/Xã hội cơ đốc giáo (CDU/CSU) và đảng Dân chủ Xã hội (SPD) đang ngày càng bộc lộ nhiều khác biệt.Ngày 12/11, hai nhóm làm việc trong 12 nhóm đàm phán về thành lập liên minh đã phải ngừng thương lượng do không thể tìm được điểm chung. Sau vòng đàm phán thứ sáu, nhóm làm việc giữa ba đảng về "Chính sách gia đình, phụ nữ và bình đẳng giới" đã ngừng cuộc đàm phán sau khi nổ ra bất đồng gay gắt liên quan chính sách với các cặp kết hôn đồng giới cũng như quyền nhận con nuôi của những trường hợp này. Tiếp đó, nhóm làm việc về "Chính sách giao thông" cũng phải ngừng đàm phán sau khi đề xuất mở rộng thảo luận việc áp thuế đường cao tốc đối với xe tải (LKW-Maut) của SPD bị liên đảng bảo thủ phản đối.
Thủ tướng Đức Angela Merkel (phải) và Chủ tịch SPD Sigmar Gabriel tới bàn đàm phán ở Berlin ngày 11/11. Ảnh: AFP/TTXVN |
Những diễn biến trên xảy ra chỉ hai ngày trước khi SPD tiến hành đại hội đảng tại thành phố Leipzig, đã gây hoài nghi cho kế hoạch lập liên minh cầm quyền giữa ba đảng. Trong khi đó, Tổng Thư ký SPD Andrea Nahles bất ngờ tuyên bố bỏ ngỏ khả năng liên minh có điều kiện với đảng Cánh tả ở cấp liên bang trong tương lai. Lãnh đạo nhóm nghị sĩ đảng Cánh tả Gregor Gysi đã hoan nghênh tuyên bố này, song cho rằng ý tưởng của SPD được đưa ra "quá muộn".
Chủ tịch đảng Cánh tả Bernd Riexinger thậm chí đề nghị SPD cùng đảng Xanh hợp tác ở Quốc hội, và với 320 ghế, ba đảng sẽ có được đa số, do vậy có thể đối chọi với liên đảng bảo thủ 311 ghế của Thủ tướng Angela Merkel. Tuy nhiên, ngay trước cuộc tổng tuyển cử vừa qua, SPD đã bác bỏ việc lập một liên minh ba đảng như vậy.
Trước đó, ba đảng đã nhất trí nỗ lực hoàn tất các cuộc đàm phán trước cuối tháng này để có thể lập một chính phủ trước kỳ Giáng sinh. Tuy nhiên, hiện hai bên vẫn còn tranh cãi về nhiều vấn đề then chốt như: thuế ô tô với người nước ngoài (PKW-Maut); quốc tịch kép; chính sách với Liên minh châu Âu (EU). Ngay cả mức lương tối thiểu bắt buộc vẫn chưa đạt được sự thống nhất cuối cùng.
Liên quan vấn đề phân chia vị trí trong nội các, báo chí Đức dẫn các nguồn thạo tin cho biết nhiều khả năng Chủ tịch SPD Sigmar Gabriel sẽ giữ chức Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Năng lượng, một bộ mới có thể được lập ra trong nội các tới đây.
TTXVN/Tin tức