Tiếng súng chưa dứt ở Xyri và Libi

Tình trạng bất ổn tại hai “điểm nóng” Xyri và Libi vẫn tiếp diễn cùng với tiếng bom rơi, đạn nổ. Với Xyri, một thượng nghị sĩ Mỹ đã đề cập đến khả năng thực hiện hành động can thiệp quân sự như với Libi. Còn tại Libi, nhà lãnh đạo Moamer Kadhafi chịu thêm nhiều sức ép đòi ông từ chức song ông vẫn kiên quyết “không rời bỏ đất nước”.

Dưới sự hỗ trợ của trực thăng và xe tăng, ngày 13/6 (giờ Việt Nam), quân đội Xyri đã giành lại hoàn toàn quyền kiểm soát thành phố Jisr al-Shughour ở miền bắc.

Theo hãng thông tấn SANA của Xyri, hiện quân đội đang tập trung săn đuổi tàn quân của các nhóm vũ trang ở khu vực rừng núi quanh thành phố Jisr al-Shughour. Trước đó, quân đội Xyri đã tiến vào Jisr al-Shughour trong làn đạn dày đặc của các nhóm vũ trang. Sau màn đụng độ ác liệt, quân đội Xyri đã bắt được nhiều phần tử thuộc các nhóm vũ trang này. Đây được coi là vụ đụng độ nghiêm trọng nhất kể từ khi làn sóng phản đối Tổng thống Xyri Bashar al-Assad bắt đầu hồi giữa tháng 3 vừa qua.

Ông Kadhafi (phải) và ông Iliumzhinov trong cuộc gặp ở Tripôli tối 12/6. Ảnh: AFP (chụp qua truyền hình Libi)


Theo hãng tin Reuters, trước khi quân chính phủ Xyri tiến vào Jisr al-Shughour, phần lớn dân ở thành phố này đã chạy sang Thổ Nhĩ Kỳ. Ước tính, 10.000 người Xyri đang lánh nạn gần khu vực biên giới.

Trước tình hình nghiêm trọng ở Xyri, phát biểu trên kênh "Face the Nation" của đài CBS, Thượng nghị sĩ Mỹ Lindsey Graham đã không loại trừ khả năng một cuộc can thiệp quốc tế như với Libi.

Từ Côlômbia, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon cho biết, ông đã nói chuyện với Tổng thống Xyri Bashar al-Assad vài lần và đã kêu gọi nhà lãnh đạo Xyri "lắng nghe người dân và thực hiện những biện pháp cần thiết để đáp ứng nguyện vọng của nhân dân".

Tại Libi, người phát ngôn chính phủ, Mussa Ibrahim ngày 13/6 khẳng định, nước này từ chối bất kỳ cuộc đàm phán nào đề cập đến việc nhà lãnh đạo Moamer Kadhafi phải ra đi. Phát biểu với báo giới tại thủ đô Tripôli, ông Ibrahim cho rằng, lời đề nghị ông Kadhafi rời khỏi đất nước là việc làm "phi đạo đức, phi pháp và phi lý".

Về phía ông Kadhafi, trong buổi tiếp Chủ tịch Liên đoàn cờ vua quốc tế (FIDE) Kirsan Iliumzhinov ở thủ đô Tripôli tối 12/6, nhà lãnh đạo Libi đã tuyên bố ông không có ý định rời bỏ đất nước, bất chấp sức ép đối với ông ngày càng tăng.

Trong khi đó, cùng ngày Thổ Nhĩ Kỳ đã đề xuất đưa ra một "đảm bảo" cho ông Kadhafi rời Libi, giúp đưa ông tới bất cứ nơi nào ông mong muốn. Còn Trưởng Công tố Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC), ông Luis Moreno – Ocampo thì bày tỏ hy vọng ICC sẽ sớm phát lệnh truy nã ông Kadhafi với các cáo buộc phạm tội ác chống lại loài người.

Cũng trong ngày 13/6 đã có thêm Đức và Các Tiểu vương quốc Arập thống nhất (UAE) công nhận Hội đồng chuyển tiếp dân tộc (NTC) của quân nổi dậy tại Libi là "đại diện hợp pháp duy nhất" của nhân dân Libi, nâng tổng số quốc gia công nhận NTC lên con số 13. Ngoại trưởng UAE, ông Abdullah bin Zayed al-Nahayan còn khẳng định, UAE sẽ thiết lập các quan hệ với NTC ở cấp chính phủ và sẽ sớm thành lập một văn phòng lâm thời tại thủ phủ Benghazi của quân nổi dậy Libi.

Trong một diễn biến liên quan, các phương tiện truyền thông Mỹ đã công bố bức thư của ông Kadhafi gửi Quốc hội Mỹ kêu gọi đối thoại với phe đối lập và nhờ Mỹ đóng vai trò trung gian hòa giải. Trong thư, ông Kadhafi kêu gọi "chấm dứt chiến sự và bắt đầu cuộc đàm phán hướng tới một giải pháp hòa bình cho Libi" và đề nghị Mỹ "trợ giúp để xác định tương lai của người dân Libi".

Trong khi đó, ngày 13/6, NATO tiếp tục tăng cường ném bom vào khu dinh thự của ông Kadhafi ở trung tâm Tripôli và một sân bay quân sự ở phía đông thủ đô.

Thùy Dương

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN