Ngày 4/2, đụng độ giữa cảnh sát chống bạo động và người biểu tình vẫn tiếp diễn và lan ra nhiều thành phố ở Ai Cập, làm ít nhất 4 người thiệt mạng và hơn 1.500 người bị thương.
Hai người đã thiệt mạng vì hơi cay khi tham gia biểu tình bên ngoài trụ sở Bộ Nội vụ ở thủ đô Cairô, trong khi hai người khác thiệt mạng trong cuộc đụng độ tại thành phố kênh đào Suez. Một quan chức cho biết trong hai ngày qua, 211 sĩ quan an ninh đã bị thương trong các cuộc đụng độ trước cửa Bộ Nội vụ, trong đó một binh sĩ đã thiệt mạng một ngày sau khi nhập viện.
Những người biểu tình trong cuộc xung đột với cảnh sát ở thành phố Suez, ngày 3/2. Ảnh: AFP/TTXVN |
Truyền hình nhà nước Ai Cập đưa tin người biểu tình ném gạch đá, trong khi cảnh sát dùng dùi cui để giải tán đông trước cửa Bộ Nội vụ. Trụ sở Cơ quan thuế ở gần đó đã bị phóng hỏa. Tại quảng trưởng Tahrir, hàng nghìn người hô vang khẩu hiệu phản đối chính quyền quân sự lâm thời. Một số người mang theo súng máy đã đột nhập một đồn cảnh sát ở quận Al-Marj, phía Đông Cairô, thả 27 nghi can đang bị giam giữ tại đây trước khi phóng hỏa đồn cảnh sát này. Một đồn cảnh sát khác ở ngoại ô Dokki cũng bị các tay súng đột nhập và cướp vũ khí. Trong khi đó, tại thành phố Xuê, cảnh sát bắn đạn ghém và hơi cay để giải tán đám đông. Hàng nghìn người cũng xuống đường biểu tình tại Port Said và Alexandria - thành phố lớn thứ hai của Ai Cập.
Làn sóng biểu tình diễn ra sau thảm kịch bạo lực sân cỏ tối 1/2 tại Port Said, làm 74 người thiệt mạng và hơn 1.000 người bị thương. Đa số người tham gia các cuộc biểu tình là cổ động viên các câu lạc bộ bóng đá lớn của thủ đô Cairô - những người đã từng đóng vai trò quan trọng trong làn sóng biểu tình lật đổ Tổng thống Hosni Mubarak cách đây một năm.
Trong khuôn khổ cuộc điều tra về thảm kịch trên, Tổng Chưởng lý Ai Cập đã ra lệnh cấm xuất cảnh đối với cựu Chủ tịch Liên đoàn bóng đá Ai Cập (EFA) Samir Zaher, cựu Thị trưởng Port Said Mohammed Abdullah và Cảnh sát trưởng Essam Samak. Cả ba nhân vật này đã bị sa thải sau khi xảy ra thảm kịch sân cỏ. Cơ quan công tố cũng ra lệnh tạm giam 15 ngày đối với 52 nghi can khác.
Hội đồng Tối cao các lực lượng vũ trang (SCAF), hiện đang cầm quyền tại Ai Cập, cho rằng tình trạng bạo lực trên là do "các thế lực trong và ngoài nước âm mưu phá hoại đất nước". Trong một tuyên bố, SCAF nhấn mạnh "đất nước đang trải qua một giai đoạn nhạy cảm trong lịch sử" và kêu gọi "tất cả các lực lượng chính trị và người dân hợp tác với chính quyền nhằm mang lại hòa bình và ổn định cho đất nước". Trong khi đó, Thủ tướng Kamal el-Ganzouri khẳng định việc người biểu tình xông vào Bộ Nội vụ là "hành động không chính đáng". Các lực lượng an ninh đã được lệnh kiềm chế và sử dụng hơi cay để giải tán người biểu tình.
Tuy nhiên, báo chí Ai Cập tố cáo các cơ quan an ninh khoanh tay đứng nhìn thảm kịch trên. Trên tờ Al-Shorouq, chuyên gia bình luận Wael Qandil nhận định về vụ bạo lực sân cỏ hôm 1/2 rằng: "Đó không phải là trận bóng giữa Al-Masry và Al-Ahly, mà là một trận đấu đá chính trị chống lại cách mạng". Trên tờ Al-Tahrir, chuyên gia bình luận Ibrahim Mansur viết: "Nhân dân Ai Cập đòi hội đồng quân sự phải từ chức vì đã không đảm bảo được an ninh". Thậm chí, nhiều cây bút bình luận khác cáo buộc "giới lãnh đạo quân sự hiện nay cố tình gây hỗn loạn để tiếp tục cầm quyền".
TTXVN/Tin Tức