Trong cuộc họp báo tối ngày 26/1 tại trụ sở của Liên hợp quốc ở Geneva (Thụy Sĩ), đặc phái viên LHQ và Liên đoàn Arập về vấn đề Syria, ông Lakhdar Brahimi cho biết tiến độ đàm phán hòa bình trực tiếp giữa hai phái đoàn chính phủ Syria và phe đối lập vẫn chậm và quá trình này sẽ còn tiếp tục. Thứ trưởng Ngoại giao Syria Faisal Makdad trả lời câu hỏi của các phóng viên. |
Theo ông Brahimi, bước chậm còn tốt hơn là đi quá nhanh, "nếu bạn chạy, bạn có thể đạt được một giờ nhưng có khi lại mất cả tuần" và ông hài lòng với bầu không khí chung hiện nay.
Ông Brahimi cho biết đoàn đại biểu của Chính phủ Syria tại cuộc đàm phán ở Geneva đã nói với ông rằng nhà chức trách nước này sẽ cho phép sơ tán ngay lập tức phụ nữ và trẻ em rời khỏi thành phố Homs do phe đối lập kiểm soát, nhưng đang nằm trong vòng vây của quân đội. Những người dân khác cũng được phép để đi, nhưng Chính phủ cần danh sách để khẳng định họ là dân thường. Ông Brahimi hy vọng bắt đầu từ ngày mai, phụ nữ và trẻ em sẽ có thể rời khỏi Homs và những người dân còn lại cũng có thể đi ngay sau đó.
Phát biểu trước các phóng viên, Thứ trưởng Ngoại giao Syria Faisal Makdad khẳng định phụ nữ và trẻ em có thể rời khỏi thành phố Homs bất cứ khi nào họ muốn, đồng thời đổ lỗi cho các nhóm vũ trang đã ngăn ngừa nỗ lực này trong hai năm qua.
Ông Makdad nói: "Tôi đã trực tiếp tham gia trong hai năm qua để có thể đưa phụ nữ và trẻ em ra khỏi thành phố Homs ... Nhưng tất cả các nỗ lực chúng tôi đã ngăn chặn bởi các nhóm vũ trang mà đã không cho phép bất cứ người nào ra". "Không chỉ vậy, chúng tôi sẽ cung cấp cho họ chỗ ở, thuốc và tất cả những gì là cần thiết ... Chúng tôi sẵn sàng cho phép mọi viện trợ nhân đạo để tham gia vào thành phố thông qua các thỏa thuận và sắp xếp thực hiện với LHQ", ông Makdad nói thêm.
Nhà ngoại giao kỳ cựu Brahimi cho biết đoàn đại biểu phe đối lập mà đang kêu gọi Damascus trả tự do cho hàng chục nghìn phạm nhân, cũng đã đồng ý với đề nghị của chính phủ rằng họ sẽ cố gắng và thu thập danh sách những người bị giam giữ bởi các nhóm vũ trang mà họ có liên hệ hoặc có quyền hạn.
Ông Brahimi cho biết thêm tương tự như hôm qua, hai bên đối nghịch nhau cùng ngồi chung một bàn nhưng không trao đổi trực tiếp với nhau mà thông qua ông. "Ngày mai (27/1), chúng tôi sẽ gặp nhau vào buổi sáng với cả hai bên trong cùng một phòng, sau đó đến chiều tôi sẽ gặp riêng với từng đoàn và cách này sẽ rất hữu ích".
Kể từ tháng Ba năm 2011 khi nội chiến bùng lên tại Syria cho đến nay, có tới hơn 130.000 người chết và hàng triệu người tị nạn và ngày càng có thêm nhiều tù nhân và người mất tích. Hiện không có số liệu chính xác, nhưng theo các tổ chức bảo vệ nhân quyền, số lượng người trong diện này lên đến hàng ngàn.
Đài quan sát Nhân quyền Syria, một tổ chức phi chính phủ ở hàng đầu trong cuộc xung đột Syria, ước tính có tới 17.000 người mất tích, mà số phận hiện chưa biết ra sao.
Tố Uyên