Tuần trước, kênh truyền hình CNN (Mỹ) đã cho phát bản tin về chuyến bay tuần tra trên các đảo nhân tạo mà Trung Quốc xây dựng ở biến đông. Dưới đây trích lược tường trình của phóng viên phụ trách mảng an ninh quốc gia của CNN Jim Sciutto, người trực tiếp ngồi trên chiếc máy bay do thám P8-A Poseidon hôm 20/5: Tiến về phía chiếc P8-A Poseidon trên đường băng, rất dễ nhầm nhầm chiếc máy bay do thám tối tân này với một trong những chiếc Boeing 737 đậu gần đó. P-8 có bộ khung được thiết kế dựa trên mẫu 737, nhưng điểm tương đồng chỉ có vậy.
Phóng mắt qua các bình xăng là vô số ăng-ten, các khối hình cầu và camera bên ngoài thân máy bay, cộng với một khoang chứa ngư lôi diệt tầu ngầm; khoảng trống dưới cánh gắn tên lửa diệt hạm Harpoon. Bên trong khoang máy bay chất đầy một dãy các thiết bị thu thập thông tin tình báo tối tân. Tôi có cảm giác như đang bước vào một trạm do thám trên không của CIA.
Hoạt động cải tạo, bồi đắp trái phép của Trung Quốc tại đá Ga Ven trên quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam. Ảnh: Asahi |
Không phải ngẫu nhiên mà những chiếc P-8 đầu tiên này, chỉ mới 18 tháng tuổi, lại được điều động đến châu Á. P-8 là một cách thể hiện chiến lược xoay trục sang châu Á của chính quyền Tổng thống Barack Obama và nhiệm vụ chủ yếu của nó là bám sát các hoạt động của Trung Quốc.
Khi đã lên máy bay, chúng tôi được cho vào dự buổi họp ngắn trước khi cất cánh. Thiếu tá Matt Simpson, chỉ huy chuyến bay, trình bày kế hoạch của chuyến bay. P-8 sẽ xuất phát từ căn cứ không quân Clark tại Philippines và bay hơn 460 dặm (khoảng 740 km) về phía tây để đến 3 bãi đá ngầm, gồm đá Chữ Thập, đá Xu Bi và đá Gạc Ma trên quần đảo Trường Sa, nơi Trung Quốc đang hối hả bồi đắp trái phép để biến chúng thành đảo nhân tạo; điều mà Mỹ lo sợ là các đảo này sẽ nhanh chóng biến thành các căn cứ quân sự cách bờ biển Trung Quốc khoảng 600 dặm (gần 1.000 km).
Từ trên không, mặt nước hiện ra với vẻ êm ả và hiền hòa, nhưng đây là vùng biển giao thương tấp nập, với 60% hàng hóa giao thương thế giới được trung chuyển qua đây. Dưới đáy biển được cho là có chứa nguồn lợi dầu mỏ, khí đốt khổng lồ.
Sau quãng thời gian bay 45 phút, mục tiêu tuần tra đầu tiên đã hiện ra - đá Xu Bi. Hơn 20 tàu nạo vét Trung Quốc đang bơm hút cát từ đáy biển để bồi đắp, tạo mặt bằng cho một hòn đảo trên biển. Quy mô và tốc độ bồi đắp thật kinh khủng Chỉ trong 2 năm, Trung Quốc đã mở rộng diện tích bề mặt của các bãi đá ngầm ở Biển Đông mà nước này ngang nhiên chiếm giữ, từ 2 hecta lên 800 hecta.
Phi hành đoàn dự đoán hải quân Trung Quốc sẽ yêu cầu rời đi khi máy bay tiến đến gần các bãi đá. Theo lời các phi công, “những thách thức này”, theo cách nói thông thường của họ, sẽ xuất hiện khi máy bay bay cách các bãi đá vài dặm. Và quả thực, từ máy thu vô tuyến đã phát ra một giọng nói tiếng Anh ngữ điệu Trung Quốc: “Đây là hải quân Trung Quốc. Đây là hải quân Trung Quốc… Xin hãy rời đi ngay lập tức để tránh hiểu lầm”. Phi công Mỹ nhanh chóng đáp trả, nói rằng máy bay Mỹ đang hoạt động trong không phận quốc tế, ngay trên vùng biển quốc tế, theo như kịch bản đã lên từ trước.
Nhưng nhân viên tổng đài Trung Quốc tiếp tục nhắc lại cảnh báo, tôi có thể nghe thấy sự tức tối tăng dần trong giọng nói. Tới một lúc, giọng nói từ đầu dây bên kia to dần lên và kết thúc bằng một câu với âm vực cao vót: “Các ông đi đi!”. Và phía Trung Quốc đưa ra cảnh báo này đến 8 lần trong suốt chuyến bay.
Sau khi rời khỏi đá Xu Bi, chúng tôi tiến sang đá Chữ Thập, nằm cách đó vài phút bay. Đây là nơi Trung Quốc bồi đắp trái phép và cải tạo với quy mô lớn nhất. Từ một bãi đá ngầm khó có thể thấy bằng mắt thường, đá Chữ Thập giờ đã trở thành một đảo nổi với một đường băng sắp hoàn tất, một tháp canh, một trạm radar cảnh báo sớm và khu nhà ở của binh lính. Trong khi đó, tàu nạo vét Trung Quốc vẫn đang tiếp tục đào một cảng nước sâu cho tàu thuyền vào neo đậu. Đó là cách mà người ta gọi nó là “tàu sân bay không thể đánh chìm” của Trung Quốc.
Trên khoang, tâm trạng của phi hành đoàn rất bình thản và tự tin. Họ đã tham gia các chuyến bay như thế này trong nhiều tháng rồi. Nhưng các phi công nói với tôi rằng, càng đẩy mạnh bồi đắp đảo, Hải quân Trung Quốc càng hung hăng hơn trong việc “thách thức” máy bay Mỹ. Điều gì sẽ xảy ra khi Trung Quốc điều máy bay tới vùng biển này, khi mà đường băng ở đá Chữ Thập đủ lớn để tiếp nhận mọi máy bay của Trung Quốc?
Trung Quốc cứ nói vống rằng những đá này là thuộc chủ quyền của họ. Mỹ thì xem khu vực này là vùng biển quốc tế, không phận quốc tế. Từ trên chiếc P8, thật khó để hình dung những khác biệt quan điểm này sẽ được giải quyết thế nào.
Hoài Thanh (
Theo CNN)