Máy bay ném bom chiến lược B-1B Lancer. Ảnh: Reuters/US Air Force |
Trong bản báo cáo “Chỉ số Sức mạnh quân sự Mỹ” 2018, Viện nghiên cứu Heritage Foundation đã đánh giá năng lực chiến đấu của Lục quân, Hải quân, Không quân, Thủy quân lục chiến và lực lượng vũ khí hạt nhân trên mức thang 5 điểm, từ “rất yếu” tới “rất mạnh”.
Trang thiết bị Lục quân tuy vẫn đang được bảo trì tốt song càng ngày càng lỗi thời, và điều này sẽ tạo ra khó khăn về lâu dài, khi ngân sách dùng cho việc thu mua trang thiết bị mới bị cắt giảm.
Chính sách cắt giảm trong thời chính quyền cựu Tổng thống Obama đã làm quy mô lực lượng này nhỏ hơn và cũng ít có sự chuẩn bị hơn trước, với chỉ 1/3 lữ đoàn chiến đấu (BCT) ở vị trí sẵn sàng điều động. Lực lượng này cũng phải đối mặt với tình trạng thiết hụt vũ khí hạng nặng như tên lửa Patriot và Hellfire.
Trong khi đó, tổng số 276 tàu chiến của Hải quân Mỹ bị đánh giá là không đủ năng lực duy trì sự hiện diện trên toàn cầu, tình trạng sẵn sàng chiến đấu cũng gặp trở ngại vì đào tạo huấn luyện yếu kém.
Để minh họa cho tình trạng này, viện nghiên cứu đã đưa ví dụ về 3 vụ tai nạn trong năm nay khi các tàu Mỹ va chạm với các tàu hàng, khiến 17 thủy thủ thiệt mạng.
Chuyên gia Dakota Wood trả lời tạp chí Defense News: "... chúng tôi không đưa ra kết luận vì cuộc điều tra vẫn chưa xong. Tuy nhiên các sự vụ ám chỉ sự thiếu hụt trong công tác chú ý căn bản và kỹ năng quản lý tàu”. Điều này đã khiến cho các chuyên gia thuộc viện nghiên cứu đánh giá khả năng đáp ứng yêu cầu tác chiến của hải quân Mỹ ở mức “rất yếu”.
Về lực lượng không quân, rất nhiều máy bay trong biên chế đã cũ kĩ và lỗi thời. Chuyên gia Wood giải thích: “Trong số 36 đội bay, chỉ có 4 đội được đánh giá là có khả năng thực hiện nhiệm vụ toàn diện, nên phi công có đủ số giờ để luyện bay, gồm bay cao, bay thấp và bay trong vùng không phận còn tranh cãi”.
Lực lượng Thủy quân lục chiến cũng phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt máy bay đáng tin cậy, khi chỉ có 41% máy bay cánh xoay và cánh cố định có thể bay được. Điều này đã khiến thang độ đánh giá mức độ sẵn sàng của lực lượng này ở mức “yếu”.
Cuối cùng, kho vũ khí hạt nhân của Mỹ được đánh giá cao hơn các lực lượng khác trong quân đội, song vẫn còn tồn tại một số hạn chế. Trong khi Mỹ vẫn sở hữu đủ sức mạnh hỏa lực hạt nhân để gây tổn hại các đối thủ, thì phần lớn kho dự trữ vũ khí xuất hiện từ thời Chiến tranh Lạnh và vẫn chưa được nâng cấp cũng như hiện đại hóa.
Các nhà khoa học – từng tham gia phát triển vũ khí hạt nhân thời Chiến tranh Lạnh – giờ cũng đã già yếu và nghỉ hưu, nên năng lực hạt nhân giờ được đặt vào tay những thế hệ non trẻ với ít kinh nghiệm.
Không chỉ có vậy, Mỹ cũng không được phép tiến hành thử vũ khí hạt nhân, điều đó có thể tạo ra một bước cản trở nếu như vấn đề kỹ thuật nảy sinh.