Nhu cầu về thiết bị bảo hộ cá nhân và hộp đựng đồ ăn mang về đã tăng vọt giữa đại dịch, giúp thúc đẩy tăng trưởng tiêu thụ một số mặt hàng nhựa. Nhưng các nhà phân tích dự đoán hiện tượng này chỉ mang tính thời điểm. Trong tương lai, nhiều khả năng nhu cầu tiêu thụ đồ nhựa sẽ giảm do suy giảm kinh tế tại các thị trường châu Á, châu Phi và Mỹ Latinh chịu tác động của đại dịch, cùng với việc lệnh cấm đồ nhựa sử dụng một lần hiện đang phổ biến trên toàn thế giới.
Giá hạt nhựa vốn đã liên tục giảm trong vòng hai năm qua lại tiếp tục giảm sâu kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát, làm gia tăng nguy cơ đối với các dự án đầu tư trị giá hàng trăm tỷ USD vào ngành hóa dầu trong thập kỷ qua. Phân tích dữ liệu hóa chất và nhựa của hãng dữ liệu IHS Markit cho thấy ngành hóa dầu đang chịu một cú sốc kép. Các công ty đều cắt giảm vốn đầu tư, khiến các dự án bị đình trệ.
Bằng chứng là hồi tháng Tư vừa qua, tập đoàn hóa chất Dow Inc của Mỹ tuyên bố sẽ ngừng hoạt động 3 nhà máy tại Mỹ sản xuất polythylene, nguyên liệu chính để sản xuất túi nylon và chai nhựa. Hãng PTT của Thái lan và đối tác Hàn Quốc Daelim cũng hoãn vô thời hạn quyết định đầu tư vào một dự án trị giá 5,7 tỷ USD ở Ohio. Trong khi đó, một dự án nhựa lớn khác ở Pennsylvania của tập đoàn dầu khí toàn cầu Shell đang đứng trước nguy cơ dư thừa nguồn cung và viễn cảnh giá thấp.
Tuy nhiên, theo tập đoàn tư vấn năng lượng Wood Mackenzie, vẫn có tới 176 nhà máy hóa dầu dự kiến được xây dựng trong 5 năm tới, 80% trong số này đặt tại châu Á. Các nhà máy này, hiện đang trong quá trình xây dựng hoặc bị chậm kế hoạch xây dựng, sẽ đối mặt với các khoản thiệt hại khổng lồ nếu bị hủy bỏ. Cùng với đó, với giá nhựa thô hoặc nhựa không tái chế hiện đang thấp kỷ lục và nhu cầu dầu mỏ khiêm tốn, các nhà môi trường lo ngại rằng các nhà sản xuất sẽ tung các sản phẩm nhựa rẻ tiền để kích cầu thị trường và tiêu thụ phần nào nguồn dầu mỏ và khí đốt giá rẻ dư thừa trên toàn cầu.
Châu Á hiện đang đối mặt với vấn nạn chất thải nhựa do người dân tăng cường sử dụng đồ đóng gói dùng một lần nhằm ngăn chặn dịch COVID-19 trong khi các nhà máy tái chế phải nỗ lực duy trì hoạt động. Carroll Muffett, giám đốc tổ chức phi chính phủ Trung tâm Luật Môi trường Quốc tế, cảnh báo “Chúng ta sẽ chứng kiến một cơn lũ chất thải nhựa. Thậm chí nếu tình trạng này không kéo dài, chỉ riêng chất thải nhựa hiện tại cũng sẽ gây ô nhiễm hành tinh trong nhiều thập kỷ.”