TikTok sẽ sớm cho phép đối tác Mỹ của mình là Oracle Corp truy cập đầy đủ vào mã nguồn, thuật toán và dữ liệu kiểm duyệt nội dung. Đây là cam kết mới nhất của TikTok sau khi công ty này bị cáo buộc không tuân thủ lời hứa hẹn không can thiệp vào dữ liệu của người sử dụng tại Mỹ.
Trong một tuyên bố ngày 22/5, TikTok cho biết Oracle sẽ sớm có thể giám sát quyền truy cập vào môi trường an toàn được thiết lập trên các máy chủ lưu trữ dữ liệu của TikTok tại Mỹ. Đây là bước đi trong chiến lược của gã khổng lồ truyền thông xã hội có tên gọi “Dự án Texas” nhằm xoa dịu chính phủ Mỹ trước các cáo buộc kiểm soát dữ liệu người dùng và có sức mạnh lan truyền thông tin độc hại tới người dùng.
“Nhiều nhóm nhỏ trong Dự án Texas đã khởi động và chúng tôi sẽ tiếp tục triển khai các sáng kiến trong những tuần và tháng tới”, TikTok nhấn mạnh đội ngũ của công ty đã phối hợp hết sức có thể để Oracle kiểm tra và giám sát liên tục, đảm bảo người dùng tại Mỹ không bị gián đoạn trong khi sử dụng dịch vụ. Cả hai công ty cũng sẽ thường xuyên giữ kết nối với chính phủ Mỹ.
Kể từ tháng 1, Oracle đã kiểm tra một phần mã nguồn của TikTok trong Trung tâm trách nhiệm giải trình và minh bạch của nền tảng ở Los Angeles. Tuy nhiên, theo một bài viết của Bloomberg vào tuần trước, “gã khổng lồ” công nghệ Mỹ vẫn chưa có được quyền truy cập vào các thuật toán và mô hình dữ liệu liên quan như Giám đốc điều hành Shou Zi Chew cam kết trước Quốc hội hồi tháng 3.
Dẫn một nguồn tin nội bộ, bài viết còn nêu rõ Dự án Texas phần lớn đang trong tình trạng mơ hồ. Ngoài việc đánh giá mã sơ bộ, không có sự giám sát liên tục hoặc quy mô lớn nào đối với các hoạt động của TikTok.
Theo đề xuất ban đầu của ban quản lý TikTok, Dự án Texas nhằm mục đích lưu trữ tất cả dữ liệu người dùng của TikTok tại Mỹ trên các máy chủ Oracle và chia sẻ hoạt động nội bộ với đối tác, cho phép Oracle tiếp cận mã nguồn và kiểm tra các bản cập nhật ứng dụng.
Cùng ngày TikTok cam kết cho Oracle toàn quyền truy cập dữ liệu, nền tảng chia sẻ video này cũng đâm đơn khởi kiện chính quyền bang Montana sau khi Thống đốc Greg Gianforte thông qua luật cấm ứng dụng hoạt động trong phạm vi quyền hạn lãnh thổ của bang. Người phát ngôn của TikTok, ông Brooke Oberwetter, lập luận rằng lệnh cấm của bang Montana là vi phạm quyền tự do ngôn luận được Hiến pháp Mỹ bảo vệ.
Ngày 7/5, Thống đốc Gianforte đã ký ban hành luật cấm TikTok, đưa Montana trở thành bang đầu tiên ở Mỹ cấm toàn diện ứng dụng này. Theo lệnh cấm, TikTok sẽ không được hoạt động trong phạm vi lãnh thổ bang Montana, nơi có dân số chỉ hơn 1 triệu người. Nền tảng này sẽ bị phạt 10.000 USD cho mỗi lần vi phạm nếu người dùng có thể truy cập/được cung cấp khả năng truy cập hoặc tải xuống TikTok, đồng thời có thể bị phạt thêm 10.000 USD mỗi ngày nếu không tuân thủ.
Ngoài ra, các cửa hàng ứng dụng Google Play và App Store cung cấp TikTok trong phạm vi bang Montana cũng bị coi là bất hợp pháp. Apple và Google sẽ phải gỡ TikTok ra khỏi các kho ứng dụng, nếu không mỗi ngày sẽ phải nộp phạt 10.000 USD cho mỗi vi phạm. Tuy nhiên, các mức phạt này sẽ không áp dụng đối với các cá nhân sử dụng TikTok.