Theo một số nguồn tin của truyền thông của Mỹ, cuộc gặp giữa ông Trump và CEO TikTok đã diễn ra tại khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago của ông Trump ở bang Florida (Mỹ). Sau buổi trên, ông Trump cũng sẽ có cuộc gặp với CEO Netflix Ted Sarandos vào ngày 17/12 và gặp người sáng lập Amazon Jeff Bezos vào ngày 18/12.
Ngay trước cuộc gặp với CEO TikTok, ông Trump đã có bài phát biểu tại cuộc họp báo cùng ngày. Tuy không đề cập về cuộc gặp với CEO TikTok, nhưng Tổng thống đắc cử Mỹ cho biết ông nghĩ rằng mình thắng cử một phần nhờ vào việc sử dụng TikTok.
Ông Trump nói rằng đã có "một điểm ấm áp" trong trái tim mình dành cho TikTok, ghi nhận ứng dụng này đã giúp ông giành được sự ủng hộ của các cử tri trẻ trong cuộc bầu cử tổng thống tháng trước. Ông cũng bày tỏ "thiện cảm" với TikTok và cho rằng chính quyền sắp tới của mình sẽ xem xét liệu ứng dụng này có nên bị cấm tại Mỹ hay không.
Ông nói: "Tôi đã thắng cử ở nhóm thanh niên với 34 điểm phần trăm. Và có những người nói rằng TikTok có liên quan điều đó". Trước đó, trong cuộc thăm dò ý kiến cử tri toàn quốc trước bầu cử, ông Trump đã thua trong nhóm những cử tri ở độ tuổi 18-29 trước đối thủ Kama Harris.
Video Tổng thống đắc cử Trump bình luận về việc "TikTok đã giúp ông thắng cử ở nhóm thanh niên" trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vừa qua. Nguồn: Reuters.
Trong nhiệm kỳ đầu của mình, ông Trump đã có những động thái nhằm tìm cách cấm ứng dụng TikTok hoạt động tại Mỹ. Tuy nhiên gió đã đổi chiều khi ông đảo ngược quyết định và đưa ra cam kết trong chiến dịch tranh cử rằng sẽ "cứu" ứng dụng này.
Điều này đã khiến một số người ủng hộ ông tỏ ra bất ngờ, nhưng lại được xem là khiến nhiều người tỏ ra khá hài lòng, trong đó có ông Jeff Yass - nhà tài trợ lớn của đảng Cộng hòa, một nhà đầu tư lớn vào TikTok.
Đến nay, chưa có thông tin cụ thể về cách thức ông Trump sẽ "cứu" TikTok, bời vì đạo luật cấm TikTok đã được lưỡng đảng trong Quốc hội Mỹ thông qua với sự ủng hộ mạnh mẽ, đồng thời nếu muốn đảo ngược đạo luật thì cần phải được cả Hạ viện và Thượng viện chấp thuận.
Vừa qua, ngày 16/12, TikTok cũng đã nộp đơn lên Tòa án Tối cao của Mỹ đề nghị tạm thời hoãn áp dụng lệnh cấm đối với nền tảng này. Trước đó vào ngày 31/1/2024, CEO của TikTok Shou Chew đã tham gia phiên điều trần của Ủy ban Tư pháp Thượng viện Mỹ với chủ đề "Công nghệ lớn và cuộc khủng hoảng khai thác tình dục trẻ em trên trực tuyến".
Tổng thống Joe Biden đã ký ban hành Đạo luật Bảo vệ người dân Mỹ khỏi các ứng dụng do đối thủ nước ngoài kiểm soát được Quốc hội thông qua vào tháng 4. Theo một phần của đạo luật, công ty mẹ ByteDance có trụ sở tại Trung Quốc buộc phải bán công ty con TikTok - ứng dụng có hơn 170 triệu người dùng tại Mỹ - cho một chủ sở hữu khác tại Mỹ hoặc TikTok phải đối diện với lệnh cấm hoạt động tại Mỹ từ 19/1/2025.
Những người ủng hộ lệnh cấm TikTok bao gồm cả nghị sĩ đảng Dân chủ và Cộng hòa trong Quốc hội Mỹ. Ông Biden và nhiều nghị sĩ của Quốc hội Mỹ cho rằng tối hậu thư đưa ra với TikTok là cần thiết vì lo ngại về vấn đề an ninh liên quan đến ByteDance và mối liên hệ của công ty này với phía Chính phủ Trung Quốc.
Các nhà lập pháp Mỹ cũng đề nghị các hãng Apple và Google phải sẵn sàng xóa TikTok khỏi cửa hàng ứng dụng trên nền tảng của mình từ ngày 19/1/2025. Trong lá thư gửi tới CEO của TikTok, các nhà lập pháp Mỹ cũng hối thúc ông sớm tìm người mua lại công ty này khi nêu rằng: “Chúng tôi kêu gọi TikTok ngay lập tức thực hiện thoái vốn có lộ trình”.
Nhiều nhà phân tích đánh giá, việc bán TikTok từ công ty mẹ ở Trung Quốc có thể tránh nguy cơ đối diện với lệnh cấm hoạt động tại Mỹ. Tuy nhiên, thương vụ này được nhìn nhận là một một giao dịch cực kỳ phức tạp và tốn kém.
Về phía Trung Quốc, các quan chức nước này cho rằng họ sẽ chặn mọi giao dịch bán thuật toán của TikTok - yếu tố đem đến sự thành công của ứng dụng này.