Tìm chìa khóa đảm bảo nguồn cung lương thực trong tương lai

Liệu rằng ADN của những giống lương thực từ thời cổ xưa có nắm giữ chìa khóa giúp đảm bảo an ninh lương thực thế giới trong tương lai hay không?

Chú thích ảnh
Thu hoạch dưa hấu ở Israel. Ảnh tư liệu: ynetnews.com

Đi theo hướng nghiên cứu này, các nhà khoa học ở Israel đang tạo ra một ngân hàng lưu trữ gene từ những hạt giống của nhiều loại cây trồng địa phương hoang dã, trong đó có những giống đã tồn tại hàng nghìn năm qua kể từ khi nghề nông ra đời và những giống có thể giúp người nông dân ứng phó với hình thái thời tiết khắc nghiệt hơn trong những thập kỷ tới.

Tham gia dự án, nhà thực vật học Alon Singer thường lặn lội tới nhiều địa điểm khác nhau để thu thập hạt giống từ những loài thực vật mới phát hiện. Các hạt giống sau đó được đưa về bảo quản đông lạnh tại Ngân hàng gene thực vật thuộc Viện nghiên cứu Volcani, Trung tâm nghiên cứu và phát triển nông thôn quốc gia Israel.

Chuyên gia Singer cùng nhiều đồng nghiệp và đối tác tìm kiếm nhiều giống lúa mì, lúa mạch và vô số giống cây trồng hoang dã khác để lưu giữ mẫu gene và nghiên cứu trước khi những giống này biến mất do tình trạng hoang mạc hóa và đô thị hóa ngày càng lan rộng.

Theo chuyên gia Singer, những giống thực vật ở đây rất độc đáo và là tổ tiên của nhiều giống cây trồng sử dụng ngày nay. Những đặc tính chống chịu tốt với các điều kiện thiên nhiên sẽ giúp các nhà khoa học nghiên cứu ra cách chỉnh sửa gene cho cây trồng để cho ra đời những giống mới chịu hạn hoặc ít bệnh hơn

Hiện có hàng chục nghìn loại hạt giống đang được bảo quản trong ngân hàng gene tại Israel. Theo các nhà nghiên cứu, có thể ngân hàng này có quy mô lưu trữ thấp hơn so với những ngân hàng tương tự trên thế giới nhưng các loại hạt đang được lưu trữ rất độc đáo, có những hạt được thu thập từ vùng Lưỡi liềm màu mỡ (Fertile Crescent) được tin là nơi khởi nguồn của hoạt động canh tác nông nghiệp của loài người.

Giám đốc ngân hàng gene thực vật Einav Mayzlish-Gati cho biết vùng này là nơi ngành nông nghiệp ra đời khoảng 10.000 năm trước. Những loài thực vật bản địa vẫn duy trì đặc tính thích ứng hoang dã sau nhiều năm môi trường thay đổi.

Các nghiên cứu đến nay đã cho những kết quả ban đầu. Ví dụ, Viện Volcanic đã nghiên cứu thành công và cho ra đời nhiều giống lúa mỳ có vòng đời rất ngắn. Dù chưa thực sự chứng tỏ được hiệu quả ngay lúc này nhưng nhóm nghiên cứu tin rằng khi khí hậu trở nên nóng hơn và vụ mùa trồng cấy bị rút ngắn, những giống lúa này sẽ trở thành "vật cứu tinh".

Ngân hàng Thế giới (WB) cảnh báo ngành nông nghiệp toàn cầu đặc biệt dễ chịu tác động của biến đổi khí hậu. Những ảnh hưởng tiêu cực đã xuất hiện khi nhiệt độ nóng lên như những hình thái thời tiết cực đoan xảy ra ngày càng thường xuyên hơn và sâu bệnh, cỏ dại cũng xuất hiện nhiều hơn.

Nông nghiệp và tình trạng ấm lên toàn cầu cũng là một trong số các chủ đề thảo luận giữa các nhà lãnh đạo trên thế giới trong khuôn khổ Hội nghị lần thứ 27 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP27) đang diễn ra tại Sharm el-Sheikh, Ai Cập.

Lê Ánh (TTXVN)
COP27: Tiềm năng của điện hạt nhân trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu
COP27: Tiềm năng của điện hạt nhân trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu

Những người ủng hộ năng lượng hạt nhân đang tận dụng Hội nghị lần thứ 27 Các bên tham gia công ước khung của Liên hợp quốc (LHQ) về biến đổi khí hậu (COP27) tại Ai Cập để khẳng định năng lượng hạt nhân là một giải pháp an toàn và tiết kiệm để thế giới đạt mục tiêu phi carbon hóa.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN