Thông báo trên được đưa ra một ngày trước chuyến thăm của Tổng thống Israel Isaac Herzog tới Mỹ, phần nào cho thấy Tổng thống Biden có dấu hiệu giảm bớt căng thẳng trong quan hệ cá nhân với Thủ tướng Netanyahu - người luôn bị ông chỉ trích là có quan điểm quá cứng rắn.
Trước đó, Văn phòng Thủ tướng Israel thông báo kết quả cuộc điện đàm giữa Thủ tướng Netanyahu và Tổng thống Biden vào ngày 16/2, trong đó nhấn mạnh nội dung ông Biden “mời” ông Netanyahu “sớm đến Mỹ”. Tuy nhiên, phía Mỹ công bố thông tin về cuộc điện đàm trên rất muộn so với phía Israel, không đề cập đến cuộc gặp cũng như lời mời.
Trong một cuộc trả lời phỏng vấn riêng rẽ ngày 17/7, người phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ John Kirby đã xác nhận lãnh đạo Mỹ và Israel đồng ý gặp mặt và cuộc gặp có thể diễn ra vào cuối năm nay. Tuy nhiên, ông Kirby từ chối xác nhận thông tin về khả năng cuộc gặp sẽ diễn ra tại Nhà Trắng và cho biết hai bên vẫn tiếp tục làm việc để thống nhất về nội dung chi tiết, thời gian và địa điểm cho cuộc gặp.
Quan hệ Mỹ - Israel trở nên căng thẳng kể từ khi ông Netanyahu trở lại chính trường và thành lập chính phủ có quan điểm cực hữu vào tháng 12 năm ngoái. Kế hoạch cải cách tư pháp và sáp nhập các khu chiếm đóng trái phép ở Bờ Tây vào lãnh thổ Israel của Thủ tướng Netanyahu vấp phải phản ứng trái chiều từ Mỹ và nhiều nước khác. Sau hơn nửa năm cầm quyền, Thủ tướng Netanyahu vẫn chưa được Mỹ mời thăm Nhà Trắng, cho thấy những rạn nứt trong quan hệ giữa Mỹ và đồng minh thân cận nhất ở khu vực Trung Đông.
Trong cuộc điện đàm ngày 16/2, Tổng thống Biden tiếp tục bày tỏ lo ngại về việc Israel mở rộng các khu định cư Do Thái ở Bờ Tây và khẳng định giải pháp hai nhà nước trong giải quyết vấn đề Palestine. Đồng thời, ông cũng nhắc lại kế hoạch cải cách tư pháp của Israel cần nhận được sự ủng hộ rộng rãi nhất có thể từ người dân.