Thủ tướng Đức Angela Merkel trả lời báo giới trước cuộc đàm phán thành lập Chính phủ liên minh tại Berlin ngày 7/1/2018. Ảnh: THX/TTXVN |
Ngày 8/1, hãng tin Reuters của Anh dẫn một nguồn tin cho biết SPD và CDU/CSU muốn nâng mức "sàn" thu nhập bị đánh thuế 42% từ mức 53.700 euro/năm (tương đương 64.375 USD) hiện nay lên 60.000 euro/năm.
Giới quan sát cho rằng sự đồng thuận này gửi đi tín hiệu về sự nhượng bộ của SPD đối với một trong những cam kết tranh cử của Thủ tướng Angela Merkel. Tuy nhiên, Liên minh CDU/CSU và SPD vẫn cần phải tìm tiếng nói chung trong nhiều vấn đề khác như chính sách nhập cư, tương lai của Liên minh châu Âu (EU) và kinh tế.
Trước đó, phát biểu ngày 7/1 trước thềm cuộc đàm phán dự kiến kéo dài 5 ngày với SPD, Thủ tướng Merkel bày tỏ tin tưởng rằng các cuộc đối thoại lần này sẽ thành công.
Theo kế hoạch, tại các cuộc đàm phán lần này, hai bên thảo luận 15 chủ đề, trong đó có các vấn đề liên quan đến tài chính/thuế, kinh doanh, năng lượng, gia đình và người di cư, hội nhập... Một báo cáo kết quả các cuộc đàm phán sẽ được công bố vào ngày 12/1.
Việc liên kết với SPD là sự "đặt cược" tốt nhất đối với Thủ tướng Merkel để thành lập một chính phủ ổn định sau khi các nỗ lực thành lập liên minh với 2 đảng nhỏ hơn đã thất bại.
SPD từng là một phần của "đại liên minh" với các đảng bảo thủ của bà Merkel lãnh đạo đất nước trong 4 năm vừa qua. Sau cuộc bầu cử vừa qua với kết quả tồi tệ nhất kể từ năm 1993, đảng này đã tuyên bố sẽ trở thành phe đối lập. Tuy nhiên, ban lãnh đạo đảng này đã thay đổi quyết định sau khi có sự can thiệp của Tổng thống Đức.
Nếu các cuộc đàm phán lần này thành công, một chính phủ mới sẽ có thể được thành lập trước lễ Phục sinh.
Trong trường hợp ngược lại, nước Đức sẽ hoặc phải đối mặt với các cuộc bầu cử mới, hoặc lần đầu tiên kể từ sau Chiến tranh Thế giới thứ 2 sẽ phải nằm dưới sự điều hành của một chính phủ thiểu số do bà Merkel lãnh đạo.