Tín hiệu từ việc Putin im lặng trước chiến sự tại Đông Ukraine

Ba tuần trước khi quân đội Ukraine thực hiện các cuộc tấn công nhằm chiếm lại thành phố chiến lược Slavyansk thuộc miền Đông, lãnh đạo lực lượng nổi dậy đã khẩn thiết yêu cầu Nga hỗ trợ quân sự.

Một đoạn video được đăng tải trên mạng ghi lại cảnh Igor Girkin, được biết đến với tên gọi Strelkov, nói: "Trong một, hai hoặc ba tuần hay có thể là trong một tháng, những chiến binh tinh nhuệ nhất của quân nổi dậy sẽ đổ máu, và sớm hay muộn, sẽ bị đè bẹp và nghiền nát". Tuy nhiên, lời kêu gọi này chỉ nhận được sự im lặng từ phía Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Và vào ngày 5/7, đúng như những gì Girkin dự đoán, lực lượng nổi dậy với quân số và hỏa lực chiếm ưu thế so với quân chính quyền đã buộc phải từ bỏ Slavyansk sau vài tuần chiếm đóng.

Người ta cho rằng những sự kiện hồi cuối tuần qua có thể không chỉ là bước ngoặt trong chiến lược quân sự của Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko nhằm chống lại quân nổi dậy - lực lượng do các phần tử ly khai dẫn đầu đang nung nấu ý định sáp nhập phía Đông Ukraine vào với Nga. Các diễn biến này có thể cho thấy rằng Tổng thống Nga Putin chưa sẵn sàng tái hiện tại vùng Đông Ukraine những gì đã diễn ra đối với Crimea hồi tháng 3 vừa qua.

Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ảnh: AFP/TTXVN


Thay vào đó, những gì mà nhà lãnh đạo này đang hướng tới là tìm cách xoa dịu cuộc khủng hoảng để tránh các biện pháp trừng phạt mới của phương Tây và giảm thiểu các mối đe dọa phát sinh trong bối cảnh khu vực biên giới đầy bất ổn. Trong vài tuần qua, Tổng thống Putin đã rút hầu hết lực lượng quân đội đang đồn trú tại khu vực vùng biên, đồng thời yêu cầu Quốc hội hủy bỏ nghị quyết cho phép sử dụng quân lực tại Ukraine và hứa hẹn tham gia các giải pháp ngoại giao cùng phương Tây. Moskva cũng đã tỏ dấu hiệu sẽ siết chặt kiểm soát vùng biên - cánh cửa mà Ukraine cho là đã giúp quân nổi dậy nhận các hỗ trợ quân sự.

Người ta cho rằng trừ phi Nga bất ngờ quyết định can thiệp quân sự, thì mục tiêu hiện nay của ông Putin có vẻ như là tìm cách hạ nhiệt căng thẳng tại Ukraine mà không tổn hại tới uy tín hay sự ủng hộ đối với mình. Trong một bài bình luận được đăng tải trên trang điện tử của đài phát thanh tự do "Tiếng vọng Moskva" hôm 5/7 vừa qua, cựu cố vấn của Điện Kremlin Andrei Illarionov cho rằng việc "bỏ rơi" quân nổi dậy tại Ukraine có thể khiến nhiều người quay lưng lại với ông Putin và củng cố sức mạnh cho phe đối lập, song lựa chọn khác, cụ thể là tiếp viện quân đội, chắc chắn sẽ khiến phương Tây hết sức giận dữ.

Binh sĩ Ukraine kiểm tra những thùng vũ khí, đạn dược tịch thu được của lực lượng ly khai tại Slavyansk. Ảnh: EPA


Trong một cuộc họp tại Moskva với các đại sứ Nga hồi tuần trước, Tổng thống Putin đã nhắc lại rằng ông có trách nhiệm phải bảo vệ những người nói tiếng Nga tại nước ngoài "bằng mọi cách - từ chính trị, kinh tế cho tới các chiến dịch cụ thể, theo luật nhân đạo quốc tế và quyền phòng vệ chính đáng". Tuy nhiên, ông cũng nhấn mạnh rằng ông rất muốn tìm cách giảm nhiệt căng thẳng tại Ukraine - mặc dù trên thực tế có thể nhà lãnh đạo này sẽ muốn duy trì khủng hoảng ở một mức độ nào đó, đủ để gây lo ngại cho giới lãnh đạo thân phương Tây mới tại Ukraine. Phát biểu với vẻ miễn cưỡng, Tổng thống Putin cho biết Moskva ngày càng lo ngại rằng các biện pháp trừng phạt (của phương Tây) có thể gây ra các thiệt hại nghiêm trọng đối với nền kinh tế 2.000 tỷ USD vốn đang trên đà suy thoái của Nga, và đây là vấn đề có thể sẽ hủy hoại uy tín của nhà lãnh đạo nổi tiếng cứng rắn này.

Theo nhận định của giới quan sát, căng thẳng tại Ukraine hạ nhiệt cũng có thể giúp đồng ruble tăng giá và nâng giá trị cho cổ phiếu của Nga.


Những nguyên nhân này khiến người ta không mấy bất ngờ khi cho tới tận cuối ngày 7/7, Tổng thống Putin vẫn giữ im lặng trước sự kiện Slavyansk thất thủ, trong khi các phát biểu và bình luận trên phương tiện truyền thông của Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nga Sergei Lavrov chỉ tập trung vào các vấn đề nhân đạo và mức độ nghiêm trọng của chiến dịch quân sự vừa qua. Không chỉ vậy, Nga cũng tỏ dấu hiệu tích cực bằng các cam kết tham gia đàm phán sau khi tham dự hội nghị mới nhất do Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) chủ trì về việc chấm dứt bạo lực tại miền Đông Ukraine.

Theo giới phân tích, Tổng thống Putin có thể còn có lý do khác để tìm cách xoa dịu cuộc khủng hoảng tại Ukraine. Ít nhất là cho đến nay, Putin đã đạt được những gì ông muốn tại Ukraine. Tổng thống Poroshenko đã đề xuất kế hoạch hòa bình, bao gồm các cam kết phân bớt quyền lực cho các chính quyền địa phương, như các tỉnh nổi dậy là Donetsk và Luhansk, cho phép các khu vực này thiết lập quan hệ kinh tế và chính trị với Moskva. Kế hoạch cũng đề xuất biện pháp nhằm đảm bảo quyền lợi cho cộng đồng người nói tiếng Nga - một trong những yêu cầu chủ yếu của phía Nga và những phần tử ly khai trong suốt cuộc khủng hoảng hiện nay. Kế hoạch này đem đến cho Moskva cơ hội duy trì tầm ảnh hưởng nhất định tại Ukraine, quốc gia từng thuộc Liên bang Xôviết cũ và là nơi mà nhiều người coi là cái nôi của nền văn minh Nga.

Tổng thống Putin cũng đạt được một trong những nhượng bộ quan trọng nhất là cam kết của giới lãnh đạo Kiev từ bỏ việc tìm kiếm tư cách thành viên NATO. Nhà lãnh đạo Nga đã nhiều lần nhấn mạnh rằng Moskva sẽ không cho phép Ukraine tham gia liên minh từng được coi là cựu thù thời Chiến tranh Lạnh với Nga bởi hành động này có thể làm nảy sinh quá nhiều nguy cơ an ninh.


TTK
Châu Âu sẽ buộc Nga trả giá đắt hơn với vấn đề Ukraine
Châu Âu sẽ buộc Nga trả giá đắt hơn với vấn đề Ukraine

Tổng thống Mỹ Barack Obama và người đồng cấp Pháp Francois Hollande đã quyết định rằng châu Âu sẽ buộc Nga phải trả giá đắt hơn nếu Moskva không có những bước đi khẩn trương nhằm hạ nhiệt căng thẳng ở miền Đông Ukraine.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN