Trao đổi với báo giới, bà Martina Weiss, Tổng Giám đốc nhóm hiệu trưởng các trường đại học công lập của Thụy Sĩ, cho biết: "Theo thông tin của chúng tôi, một số trường hàng đầu tại Thụy Sĩ đã bị ảnh hưởng".
Theo Đại học Basel, các tin tặc đã sử dụng thông tin thu thập được thủ đoạn tấn công lừa đảo (phishing - một mánh khóe mà tin tặc giả mạo một đơn vị uy tín và hợp pháp để lừa người dùng cung cấp thông tin cá nhân, số tài khoản ngân hàng, mật khẩu...) để thực hiện các vụ tấn công nhằm vào ít nhất 3 trường đại học.
Trong khi đó, tờ SonntagsZeitung đưa tin, tin tặc đã truy cập vào hệ thống thanh toán của các trường đại học, thay đổi hướng dẫn về việc chuyển lương, và đã đánh cắp một số tiền lên tới 6 con số. Đại học Zurich đã tìm cách chống lại tin tặc sau khi các nhân viên nhận ra hành vi tấn công mạng của chúng.
Hồi tháng 6, Trung tâm an ninh mạng quốc gia Thụy Sĩ (NCSC) cho biết số vụ tấn công mạng được báo cáo ở Thụy Sĩ trong thời kỳ đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 cao hơn gấp ba lần so với bình thường.
Theo Phó giám đốc NCSC Max Klaus, các cuộc tấn công mạng thường xảy ra trong các trường hợp hoặc sự kiện đặc biệt như đại dịch COVID-19. Các trường hợp xảy ra trong tháng 4/2020 là hơn 350 vụ mỗi tuần, cao hơn mức bình thường (khoảng từ 100 - 150 vụ).
Các sự cố bao gồm lừa đảo, các trang web lừa đảo hoặc tấn công trực tiếp vào các công ty - bao gồm một số trường hợp gần đây như các tin tặc đánh cắp tài liệu kinh doanh để tống tiền 6 triệu USD (5,77 triệu CHF) hãng đường sắt Stadler.
Theo ông Klaus, đây có thể chỉ là phần nổi của tảng băng trôi. Do Thụy Sĩ không bắt buộc về mặt pháp lý các công ty hoặc cá nhân phải báo cáo sự cố nên con số thực tế có thể cao hơn nhiều.