Hai cơ quan tình báo của Anh MI-5 và MI-6 đã ngừng sử dụng các máy tính do Công ty Lenovo (Trung Quốc) sản xuất trong các hoạt động bí mật của họ. Lý do chính của việc tẩy chay là sự lo ngại các máy tính này dễ bị kẻ gian xâm nhập và trộm thông tin mật.
Áp phích quảng cáo máy tính Lenovo của Trung Quốc tại một cửa hàng. Ảnh: Internet |
Báo chí Anh cho biết máy tính Lenovo với cái gọi là “lỗ hổng phần cứng” có một mạch điện tử mà kẻ gian có thể lợi dụng để điều khiển máy tính từ xa mà chủ nhân máy tính không hề biết. Trong trường hợp này có thể dễ dàng ngăn chặn các hoạt động của thiết bị hoặc trộm dữ liệu mật.
Theo cơ quan tình báo Anh, Lenovo nhận sự hỗ trợ gián tiếp của Chính phủ Trung Quốc, vì thế có mọi lý do để nghi ngờ công ty này thực hiện hoạt động tình báo.
Về phần mình, ban lãnh đạo Lenovo đã tỏ ra bất ngờ trước quyết định này, đồng thời bác bỏ nghi ngờ liên quan đến các máy tính của họ bằng tuyên bố “khách hàng tư nhân và các công ty đều xác nhận sản phẩm của chúng tôi là an toàn và có độ tin cậy cao”.
Ngoài ra, một số phương tiện truyền thông cho biết có một văn bản thỏa thuận về việc các cơ quan tình báo của Australia, Anh, Canada, New Zealand và Mỹ bị cấm sử dụng các sản phẩm của nhà sản xuất Trung Quốc. Cơ quan đặc nhiệm của các quốc gia này đã đồng ý sử dụng máy tính Dell và HP, còn các máy tính Lenovo chỉ có thể được sử dụng khi làm việc với dữ liệu công khai chứ không phải bí mật.
Tuy nhiên, thông tin này chưa được xác nhận chính thức. Lenovo không phải là công ty Trung Quốc đầu tiên bị cáo buộc hoạt động gián điệp và đe dọa an ninh của các nước khác.
Năm 2012, Ủy ban đặc trách về tình báo của Quốc hội Mỹ đã công bố bản báo cáo, trong đó các doanh nhân Mỹ được khuyên không nên hợp tác với các công ty Huawei và ZTE Corp. Theo báo cáo, hai công ty lớn nhất của Trung Quốc trong lĩnh vực sản xuất thiết bị viễn thông vẫn không thông báo về liên hệ của họ với Chính phủ Trung Quốc, cũng như về sự hỗ trợ của nhà nước.
TTXVN/Tin tức