Tình báo Mỹ bác bỏ giả thuyết COVID-19 được Trung Quốc phát triển làm vũ khí sinh học

Tình báo Mỹ đã bác bỏ giả thuyết COVID-19 có nguồn gốc như một vũ khí sinh học trong một báo cáo mới được giải mật đang làm dấy lên cuộc tranh luận về việc liệu Trung Quốc có phải chịu trách nhiệm về nguồn gốc của đại dịch COVID-19 hay không.

Chú thích ảnh
 Nhóm điều tra nguồn gốc virus SARS-CoV-2 của Tổ chức Y tế Thế giới đến Viện Virus học Vũ Hán vào tháng 2/2021. Ảnh: AFP

COVID-19 có lẽ không phải là vũ khí sinh học và hầu hết các nhà phân tích Mỹ tin rằng nó hoàn toàn không được biến đổi gien, nhưng kết luận cuối cùng về nguồn gốc của virus sẽ không thể có nếu không có sự hợp tác từ Trung Quốc. Đó là nội dung chính của một báo cáo vừa được giải mật của tình báo Mỹ.

Ngày 29/10, Văn phòng Giám đốc Tình báo Quốc gia Mỹ (ODNI) đã công bố những phát hiện được công chúng chờ đợi từ lâu về nguồn gốc của SARS-CoV-2. Đây là một phiên bản đã được giải mật của báo cáo mật được đệ trình lên Tổng thống Joe Biden từ mùa hè năm nay.

Cho đến nay, cộng đồng tình báo vẫn còn chia rẽ về nơi virus SARS-CoV-2 bắt đầu xuất hiện, nhưng tin rằng có hai giả thuyết chính: đó là nó lây lan từ động vật sang người, hoặc bùng phát từ sự cố tại một phòng thí nghiệm ở thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc.

Theo bản báo cáo giải mật của ODNI, các nhà phân tích tại một cơ quan tình báo giấu tên tin rằng "tính chất nguy hiểm" của hoạt động khoa học đang được thực hiện tại Viện Virus học Vũ Hán (WIV), cùng với việc thiếu các biện pháp phòng ngừa an toàn đã dẫn đến việc lần đầu tiên virus SARS-CoV-2 nhảy từ động vật sang người.

“Mặc dù [cộng đồng tình báo] không có dấu hiệu nào cho thấy nghiên cứu của WIV liên quan đến SARS-CoV-2 hoặc virus tiền thân gần, các nhà phân tích lưu ý rằng có thể các nhà nghiên cứu đã vô tình tiếp xúc với virus trong các thí nghiệm hoặc trong hoạt động lấy mẫu, có thể dẫn đến nhiễm virus nhẹ hoặc không có triệu chứng”, báo cáo cho biết.

Tuy nhiên, các cơ quan tình báo khác có liên quan đến báo cáo trên tin rằng có nhiều khả năng virus đã lây trực tiếp từ động vật sang người, gây nghi ngờ về lý thuyết "rò rỉ phòng thí nghiệm".

Chú thích ảnh
Ảnh chụp từ trên không Viện Virus học Vũ Hán. Ảnh: AFP

“Các nhà phân tích này nhận thấy khả năng một nhân viên phòng thí nghiệm vô tình bị nhiễm bệnh trong khi thu thập các mẫu động vật không xác định sẽ ít xảy ra hơn là một sự lây nhiễm xảy ra thông qua việc các thợ săn, nông dân, người buôn bán và những người khác thường xuyên tiếp xúc tự nhiên với động vật,” báo cáo cho biết .

ODNI cũng bác bỏ những gợi ý rằng COVID-19 có nguồn gốc như một vũ khí sinh học, khẳng định những người ủng hộ giả thuyết này “không có quyền tiếp cập trực tiếp vào Viện Virus học Vũ Hán” và đã bị cáo buộc tội lan truyền thông tin sai lệch.

Các cơ quan tình báo Mỹ kết luận rằng họ có thể không bao giờ xác định được nguồn gốc của SARS-CoV-2.

Trung Quốc, một lần nữa, đáp trả các tuyên bố trên, mô tả báo cáo như một "trò hề chính trị hoàn chỉnh". "Việc Mỹ dựa vào bộ máy tình báo của mình thay vì các nhà khoa học để truy tìm nguồn gốc của COVID-19 hoàn toàn là một trò hề chính trị", ông Liu Pengyu, người phát ngôn Đại sứ quán Trung Quốc ở Washington, nói với Reuters.

“Hành động đó sẽ chỉ làm suy yếu nghiên cứu về nguồn gốc virus dựa trên cơ sở khoa học và cản trở nỗ lực toàn cầu trong việc tìm ra nguồn gốc của virus”, ông Liu Pengyu nhấn mạnh và bổ sung: “Chúng tôi đã và đang hỗ trợ các nỗ lực dựa trên khoa học về truy tìm nguồn gốc và sẽ tiếp tục tích cực tham gia. Điều đó nói lên rằng, chúng tôi kiên quyết phản đối những nỗ lực chính trị hóa vấn đề này”.

Chú thích ảnh
Nhân viên bên trong phòng thí nghiệm tại Viện Virus học Vũ Hán. Ảnh: AFP

Trong báo cáo được công bố trên tạp chí Science, các tác giả tuyên bố “các giả thuyết trong phòng thí nghiệm phải được xem xét cẩn thận, tập trung vào các phòng thí nghiệm ở nơi xuất hiện những báo cáo đầu tiên về người nhiễm bệnh tại Vũ Hán”.

Bản báo cáo của tình báo Mỹ được đưa ra sau khi các nhà lãnh đạo thế giới, bao gồm cả Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus, viết trong một bài xã luận rằng việc loại trừ lý thuyết "rò rỉ trong phòng thí nghiệm" là một sai lầm. 

“Kể từ khi bắt đầu đại dịch này, các nhà khoa học từ khắp nơi trên thế giới đã làm việc cùng nhau để tìm hiểu các sự kiện dẫn đến những ca nhiễm bệnh đầu tiên ở người,” bài xã luận viết. “Nhưng rõ ràng là các quy trình khoa học đã bị ảnh hưởng bởi chính trị hóa, đó là lý do tại sao cộng đồng khoa học toàn cầu phải nỗ lực gấp đôi để thúc đẩy quy trình khoa học”.

Đầu tháng này, WHO đã thành lập Nhóm cố vấn khoa học về nguồn gốc của mầm bệnh mới lạ (SAGO), một nhóm gồm các chuyên gia quốc tế từ các lĩnh vực bao gồm virus học, dịch tễ học, sức khỏe động vật và y học nhiệt đới.

Nhiệm vụ của nhóm gồm hai phần: Tìm hiểu điều gì đã làm khởi phát COVID-19, và giúp thế giới chuẩn bị cho đại dịch tiếp theo.

Tuy nhiên giới phân tích cho rằng khó có khả năng Bắc Kinh sẽ tạo điều kiện hoàn toàn cho những nỗ lực tìm hiểu tận cùng nguồn gốc của virus.

“Nếu bạn tin rằng SAGO sẽ trả lời câu hỏi nguồn gốc của SARS-CoV-2 là gì, thì đáng buồn là bạn đã nhầm lẫn vì có rất ít hoặc không có cơ hội để họ tiếp cận thông tin hoặc điều tra thực địa” - Giáo sư luật y tế toàn cầu tại Đại học Georgetown, Lawrence Gostin, nói với tờ Washington Post
 

Thu Hằng/Báo Tin tức (Theo News.com, CNN)
WHO lập đội điều tra nguồn gốc COVID-19 mới, trên 700 người đăng ký
WHO lập đội điều tra nguồn gốc COVID-19 mới, trên 700 người đăng ký

Vị trí này không được trả lương. Nhất cử nhất động đều bị cộng đồng khoa học và các “thám tử” trên mạng Internet giám sát kỹ lưỡng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN