Bằng chứng rõ ràng đầu tiên
Các hình ảnh vệ tinh mới do CNN thu được cho thấy Saudi Arabia đã chế tạo tên lửa đạn đạo tại một địa điểm được xây dựng trước đây với sự hỗ trợ của Trung Quốc. Các chuyên gia đã phân tích các bức ảnh và các nguồn tin xác nhận rằng điều này phản ánh những diễn biến phù hợp với các đánh giá tình báo mới nhất của Mỹ.
Theo các nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Quốc tế Middlebury, các bức ảnh vệ tinh do Planet chụp từ ngày 26/10 đến ngày 9/11 cho thấy có hoạt động liên quan đốt cháy tại một cơ sở gần Dawadmi, Saudi Arabia. Đây là bằng chứng rõ ràng cho thấy cơ sở này đang hoạt động để sản xuất tên lửa.
Ông Jeffrey Lewis, chuyên gia vũ khí và giáo sư tại Viện Nghiên cứu Quốc tế Middlebury cho biết: “Bằng chứng quan trọng này cho thấy cơ sở trên đang vận hành một 'hố đốt' để xử lý chất phóng rắn còn sót lại từ quá trình sản xuất tên lửa đạn đạo. Khi đúc động cơ tên lửa, sẽ có thuốc phóng còn sót lại, đây là chất nổ nguy hiểm. Các cơ sở sản xuất tên lửa đẩy dạng rắn thường có các hố đốt để xử lý thuốc phóng còn sót lại bằng cách đốt cháy. Do đó, hoạt động đốt cháy là một dấu hiệu mạnh mẽ cho thấy cơ sở này đang tích cực đúc động cơ rocket”.
Tuy nhiên, có rất ít thông tin về tên lửa đạn đạo mà Saudi Arabia đang chế tạo tại địa điểm này, ví dụ như tầm bắn và trọng tải.
Theo ông Lewis, rất có thể các tên lửa đang được sản xuất ở đó là thiết kế của Trung Quốc. Nhưng cũng có bằng chứng Saudi Arabia đã tìm đến các quốc gia khác để nhờ giúp đỡ trong phát triển chương trình tên lửa đạn đạo trong những năm gần đây. Do đó, việc xác định chính xác nguồn gốc hệ thống vũ khí mà nước này đang chế tạo tại cơ sở đó là rất khó khăn.
Thách thức với Mỹ
Đây là diễn biến có thể gây ra tác động đáng kể khắp Trung Đông và làm phức tạp thêm nỗ lực của Mỹ trong kiềm chế chương trình hạt nhân của Iran - đối thủ hàng đầu trong khu vực của Saudi Arabia.
Trước đây, Saudi Arabia đã mua tên lửa đạn đạo từ Trung Quốc nhưng chưa bao giờ có thể tự chế tạo loại vũ khí này cho đến nay.
Trong những tháng gần đây, các quan chức Mỹ đã nắm được thông tin tình báo tuyệt mật tiết lộ nhiều vụ chuyển giao quy mô lớn công nghệ tên lửa đạn đạo giữa Trung Quốc và Saudi Arabia.
Bối cảnh này cho thấy chính quyền của Tổng thống Joe Biden đang phải đối mặt với những câu hỏi ngày càng cấp bách, ví dụ như những tiến bộ về tên lửa đạn đạo của Saudi Arabia có thể thay đổi đáng kể các cân quyền lực khu vực và ảnh hưởng tới đàm phán hạt nhân với Iran hay không. Một trong những điểm đàm phán là Iran phải hạn chế công nghệ tên lửa.
Iran và Saudi Arabia đối đầu gay gắt và có khả năng Iran sẽ không đồng ý ngừng chế tạo tên lửa đạn đạo nếu Saudi Arabia bắt đầu tự sản xuất.
Ông Lewis cho biết: “Mặc dù chương trình tên lửa đạn đạo của Iran bị soi xét nhiều nhưng diễn biến liên quan Saudi Arabia và việc nước này sản xuất tên lửa đạn đạo đã không gây chú ý ở cùng mức độ. Việc Saudi Arabia sản xuất tên lửa đạn đạo trong nước cho thấy nỗ lực ngoại giao nhằm kiểm soát phổ biến tên lửa sẽ cần sự tham gia của các nước khác trong khu vực, như Saudi Arabia và Israel, những nước sản xuất tên lửa đạn đạo riêng”.
Bất kỳ phản ứng nào của Mỹ cũng có thể trở nên phức tạp khi tính toán vấn đề ngoại giao với Trung Quốc, nhất là khi chính quyền Mỹ muốn Trung Quốc hợp tác trong các vấn đề như chống biến đổi khí hậu, thương mại và COVID-19.
Khi được hỏi liệu có chuyển giao công nghệ tên lửa đạn đạo nhạy cảm nào gần đây giữa Trung Quốc và Saudi Arabia hay không, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói với CNN trong một tuyên bố rằng hai nước là đối tác chiến lược toàn diện và đã duy trì hợp tác hữu nghị trên tất cả các lĩnh vực, kể cả trong lĩnh vực thương mại quân sự. Tuyên bố của Trung Quốc khẳng định: “Quá trình hợp tác này không vi phạm luật pháp quốc tế và không liên quan đến việc phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt”.
Từ năm 2019 đã có thông tin tình báo rằng Saudi Arabia đang hợp tác với Trung Quốc để thúc đẩy chương trình tên lửa đạn đạo.
Chính quyền Tổng thống Donald Trump khi đó đã không tiết lộ thông tin tình báo mật đó cho các thành viên chủ chốt của Quốc hội, khiến phe Dân chủ tức giận.
Phe Dân chủ chỉ trích chính quyền khi đó đã quá mềm mỏng với Saudi Arabia. Các chuyên gia về phổ biến vũ khí hạt nhân cũng cho rằng việc ông Trump không có phản ứng gì đã thúc đẩy Saudi Arabia tiếp tục mở rộng chương trình tên lửa đạn đạo.
Ông Ankit Panda, chuyên gia về chính sách hạt nhân và vũ khí tại tổ chức Carnegie Endowment vì Hòa bình Quốc tế nhận định: Thông thường, Mỹ sẽ gây áp lực buộc Saudi Arabia ngừng theo đuổi năng lực vũ khí này, nhưng chính quyền của ông Trump lại coi nhẹ và không quan tâm tới việc ngăn cản Saudi Arabia.
Thông tin tình báo trên đã được thông báo cho một số nghị sĩ Mỹ. Các nguồn tin nói rằng chính quyền của ông Biden đang chuẩn bị trừng phạt một số tổ chức liên quan đến việc chuyển giao công nghệ này, mặc dù một số người cho rằng Nhà Trắng sẽ không làm gì để bắt Saudi Arabia chịu hậu quả đáng kể.
Với tình hình đàm phán hiện tại với Iran, chương trình tên lửa của Saudi Arabia có thể khiến một vấn đề vốn đã hóc búa lại càng trở nên khó khăn hơn.