Sau khi chính thức được lựa chọn là đại diện của đảng Cộng hòa, ông Donald Trump sẽ được tiếp cận với các bản báo cáo mật do các cơ quan tình báo cung cấp. Nhiều trong số này sẽ là thông tin nhạy cảm mà Tổng thống Barack Obama nhận được ở Phòng Bầu dục. Viễn cảnh đó khiến giới tình báo Mỹ vã mồ hôi.
Lý do là bởi ông Trump, người dường như không thể kiềm chế cơn lũ cảm xúc trên mạng xã hội Twitter, người gần đây “nghiện” phát tán tin đồn và thuyết âm mưu trên truyền hình quốc gia, chưa bao giờ được tiếp cận với các bí mật quốc gia. Ông cũng không cho thấy có khả năng giữ bí mật này.
Tỉ phú Donald Trump, người hay có những phát biểu "tùy hứng". Ảnh: AP |
“Tôi quan ngại rằng, Trump sẽ chẳng để tâm đến lộ lọt, bởi ông ấy nói theo kiểu ngẫu hứng. Ông ta sẽ bung ra những gì đọc được trong các báo cáo tình báo”, một cựu quan chức tình báo tham gia vào khâu phổ biến thông tin tình báo cho các ứng cử viên tổng thống tiết lộ. Không giống như đối thủ gần như chắc chắn là bà Hillary Clinton – người cũng sẽ nhận được báo cáo tình báo khi được xác định là đề cử của đảng Dân chủ, ông Trump chưa bao giờ ngồi cùng bàn với các chuyên gia phân tích tình báo Mỹ, chưa từng được cập nhật thông tin liên quan đến hoạt động mới nhất của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, hoặc hoạt động của các chính phủ nước ngoài đột nhập vào mạng máy tính Mỹ…
Phong cách phát biểu trước công chúng kiểu ứng khẩu cùng với sở thích hay đưa ra những tuyên bố chưa được kiểm chứng có thể sẽ đưa đến những tình huống đặc biệt căng thẳng. Các ứng viên tranh cử tổng thống sẽ được cung cấp tin tình báo tại một cơ sở được bảo mật cao. Một quan chức tình báo khác nói rằng, có lý do để quan ngại rằng vị tỉ phú hay “vạ miệng” này sẽ nói toạc những gì mà nhẽ ra chỉ được phép nói trong phòng kín.
Giám đốc Tình báo Quốc gia James Clapper khẳng định rằng cộng đồng tình báo đã có kế hoạch cung cấp tin tình báo ngày cho 2 ứng cử viên được xác định sau đại hội của đảng Cộng hòa và đảng Dân chủ. Hồi năm 2008, chính ông Obama cũng được Giám đốc Tình báo Quốc gia Mike McConnell phổ biến thông tin tình báo vắn tắt tại một tòa nhà của Cục Điều tra Liên bang (FBI) ở Chicago - nơi ông Obama đặt trụ sở điều hành chiến dịch tranh cử. Một khi người phổ biến tin được chọn để gặp gỡ với các ứng viên tổng thống, Văn phòng giám đốc tình báo quốc gia sẽ giám sát tiến trình này để bảo đảm rằng hai người đều nhận được cùng một thông tin và họ phải tuân thủ yêu cầu vể bảo vệ nguồn tin, phương pháp thu thập thông tin cũng như các nguyên tắc an ninh khác.
Các ứng viên khi đó đều bình đẳng. Nếu đúng như kịch bản được đề cử, ông Trump và bà Clinton sẽ được tiếp cận thông tin tình báo như nhau – một dạng tin của bản tin tình báo ngày đến tay ông Obama nhưng đã được “lược bớt”, đề cập đến các mối đe dọa an ninh quốc gia của Mỹ, những vấn đề liên quan đến lợi ích của Mỹ. Tin liên quan đến những chiến dịch hoặc chương trình đặc biệt mà tình báo Mỹ đang triển khai sẽ không được nêu.
Về “tác dụng” của tin tình báo này trong quá trình tranh cử, ông Tim Naftali, một chuyên gia tình báo và Giáo sư tại Đại học New York nhìn nhận: Một khi các ứng viên được tiếp cận thông tin mật, họ sẽ hiểu rằng không có câu trả lời cho mọi chuyện, nhưng nước Mỹ cũng không bỏ qua bất kể vấn đề nào và vì thế những phát biểu của họ trên bục diễn thuyết dễ mang tính “đạo đức giả”.
Với ông Trump, nói cho sướng miệng từ những thông tin mật là khả năng lớn. Thế nhưng cách hành xử thông minh hơn cả đối với tỉ phú người Mỹ là lịch sự lắc đầu từ chối và quên ngay những gì vừa nghe - tờ Daily Beast bình luận.