Tờ Telegraph (Anh) đánh giá người dân địa phương đang cho rằng ít nhất một phần nguyên nhân gây ra cuộc khủng hoảng nhân đạo bởi các cuộc không kích của Israel là do lực lượng Hamas tiến hành cuộc tấn công hôm 7/10.
Hãng thông tấn AP (Mỹ) dẫn lời nhân chứng cho biết một người dân Gaza đã dùng ghế đập vào đầu sĩ quan Hamas sau khi bị ông này mắng vì cố gắng chen vào hàng người xếp hàng mua bánh mì.
Trong cuộc họp báo trên truyền hình hôm 7/11, một thanh niên với cổ tay bị băng bó đã chen qua đám đông để làm gián đoạn bài phát biểu của ông Iyad Bozum - người phát ngôn cơ quan Nội vụ do Hamas điều hành. Anh ta hét lên, lắc bàn tay bị thương của mình và nói rằng Hamas cần chịu trách nhiệm.
Theo Telegraph, sự tức giận đối với lực lượng Hamas không đồng nghĩa với việc người dân Gaza thông cảm với Israel.
Cơ quan Y tế tại Dải Gaza ngày 10/11 cho biết kể từ khi xung đột Hamas-Israel bùng phát cách đây hơn 1 tháng, số người Palestine thiệt mạng hiện đã tăng lên 11.078 người. Trong khi đó, cùng ngày, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Israel đã điều chỉnh số người thiệt mạng bên phía Israel do xung đột xuống 1.200 người từ thông báo 1.400 người trước đó.
Israel đã cắt nước cung cấp cho Gaza vào tháng trước. Đến khi nước bắt đầu chảy lại, việc thiếu nhiên liệu cho máy bơm khiến các vòi nước gần như cạn kiệt. Người dân Gaza giờ đây phải chờ hàng tiếng đồng hồ để có được ít nước, hoặc chịu rủi ro sử dụng nước từ giếng không được lọc có thể gây bệnh nghiêm trọng.
Với việc hàng trăm người di dời thường dùng chung một nhà vệ sinh, các bệnh như ghẻ và tiêu chảy đang lan rộng.
Suzan Wahidi, một bà mẹ 5 con tại nơi trú ẩn của Liên hợp quốc ở thị trấn trung tâm Deir al-Balah, thổ lộ: “Các con tôi khóc vì đói, mệt và không thể sử dụng nhà vệ sinh. Tôi chẳng có gì cho chúng cả”.
Đối với nhiều người dân Gaza, cuộc sống hàng ngày giờ đây chỉ là những hàng dài xếp hàng mua nước và bánh mì.
Nhiều người dân tại Gaza cho biết họ chỉ có một bữa ăn mỗi ngày. Thường thì nó chủ yếu được làm từ thực phẩm khô như chà là và bánh quy, cùng với sản phẩm tươi sống như sữa, trứng.
Alia Zaki, người phát ngôn của Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) của Liên hợp quốc, cho biết: “Có mối đe dọa thực sự về tình trạng suy dinh dưỡng”.