Mặc dù bão không quét trực tiếp qua đảo Hải Nam, song các thành phố ở đây vẫn chìm trong biển nước do ảnh hưởng của bão. Trước đó một ngày, khu vực này đã ghi nhận lượng mưa lên tới 294,9 mm trong vòng 24 giờ, đánh dấu lượng mưa nhiều nhất trong một ngày bất kỳ của tháng 10 kể từ năm 2000.
Ủy ban phòng ngừa và cứu trợ thiên tai của tỉnh Hải Nam đã nâng cấp ứng phó khẩn cấp từ cấp độ 3 lên cấp độ 2 trong thang 4 cấp độ để kiểm soát lũ lụt và phòng ngừa bão. Dự báo, trong 24 giờ tới sẽ có lượng mưa lớn hơn 250 mm. Bên cạnh đó, chính quyền tỉnh cũng phát đi cảnh báo về nguy cơ thảm họa địa chất do lượng mưa lớn bất ngờ.
Trong năm nay, toàn bộ bờ biển phía Đông của Trung Quốc đã hứng chịu nhiều sự kiện thời tiết khắc nghiệt như siêu bão Yagi hồi tháng 9. Các nhà khoa học cảnh báo tình trạng thời tiết khắc nghiệt đang xảy ra với tần suất cao hơn do biến đổi khí hậu.
Theo Trung tâm Khí tượng Quốc gia Trung Quốc (NCC), toàn quốc ghi nhận lượng mưa trung bình trong tháng 10 cao hơn 6,3% so với những năm trước. Tuần trước, mực nước dọc theo Biển Bột Hải của Trung Quốc đã đột nhiên dâng cao lên tới 160 cm chỉ trong vài giờ, mặc dù không có gió, gây ra lũ lụt ở Thiên Tân và các tỉnh phía Bắc lân cận.
Trung Quốc vốn không phải là một quốc gia xa lạ đối với lũ lụt, khi đã phải đối mặt với nhiều cơn lũ trong lịch sử. Tuy nhiên, cơ sở hạ tầng và hệ thống ứng phó khẩn cấp của nước này đang phải chịu áp lực ngày càng tăng, khi lượng mưa kỷ lục gây ngập lụt các thành phố đông dân, tàn phá mùa màng và làm gián đoạn hoạt động kinh tế địa phương.
Chính quyền Trung Quốc đã yêu cầu tất cả các tàu cá quay về bến để tìm nơi tránh trú, đồng thời sơ tán trên 50.000 người. Nhiều đường sá bị ngập trong biển nước và gây mất điện, dẫn đến việc nhiều trường học đã phải đóng cửa trong sáng 29/10.
Chỉ trong mùa hè này, Trung Quốc đã chi hàng tỷ USD để hỗ trợ tái thiết các khu vực bị ảnh hưởng bởi thiên tai. Trong tháng 7, thiệt hại kinh tế do thiên tai lên tới 76,9 tỷ nhân dân tệ (10,8 tỷ USD), trong đó 88% là do mưa lớn và lũ lụt từ bão Gaemi.