Trong một thông báo qua thư điện tử, người phát ngôn của WHO Inas Hamam nêu rõ: “Hàng viện trợ đã sẵn sàng và dự kiến được vận chuyển tới Afghanistan trong tuần này. Tuy nhiên, hiện nay sân bay (tại Kabul) đóng cửa đối với các chuyến bay thương mại, chúng tôi không thể vận chuyển chúng vào (Afghanistan)”.
Bà cho biết WHO đang kêu gọi các máy bay không có hành khách hoặc hàng hoá chuyển hướng tới trung tâm trữ hàng của WHO ở Dubai, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), để vận chuyển hàng viện trợ y tế tới Afghanistan khi các máy bay này tới Afghanistan để thực hiện hoạt động sơ tán.
Trong một diễn biến liên quan, Bộ Ngoại giao Hungary cho biết nước này đã sơ tán 173 người, trong đó có nhiều người theo yêu cầu của Mỹ và Áo, rời Afghanistan trên một chuyến bay qua không phận Uzbekistan và đã hạ cánh xuống thủ đô Budapest vào sáng 23/8.
Trong khi đó, Ngoại trưởng Hàn Quốc Chung Eui-yong xác nhận Mỹ đã đề nghị được sử dụng các căn cứ quân sự tại Hàn Quốc làm trại tị nạn cho những người vừa sơ tán khỏi Afghanistan, mặc dù chưa có cuộc thảo luận nào về vấn đề này giữa hai đồng minh.
Trong phiên họp của Ủy ban Đối ngoại và thống nhất Quốc hội, Ngoại trưởng Chung Eui-yong nêu rõ: “Sự thật là (hai đồng minh Hàn-Mỹ) đã thảo luận về vấn đề này ở mức độ cơ bản, nhưng vấn đề chưa được bàn bạc một cách nhiêm túc”, đồng thời khẳng định việc sử dụng các căn cứ quân sự Mỹ với mục đích làm trại tị nạn cần có sự đồng ý của Chính phủ Hàn Quốc.
Phát biểu trên được đưa ra sau khi tờ Wall Street Journal ngày 21/8 đưa tin, Mỹ đang xem xét việc sử dụng các căn cứ quân sự của nước này ở Hàn Quốc làm trại tị nạn cho những người vừa di tản khỏi Afghanistan, cùng với các căn cứ quân sự nước ngoài khác, bao gồm ở Nhật Bản, Đức và Bahrain.
Liên quan tới tình hình nội bộ Afghanistan, ngày 23/8, người phát ngôn của lực lượng Taliban Zabihullah Mujahid cho biết lực lượng này đã giành lại 3 huyện ở miền Bắc Afghanistan sau khi để mất các huyện này vào tay quân đội Afghanistan tại địa phương hồi tuần trước. Các huyện này gồm Bano, Deh Saleh và Pul e-Hesar thuộc tỉnh Baghlan và Taliban đã thiết lập kiểm soát tại các tỉnh Badakhshan, Takhan và Andarab ở gần thung lũng Panjshir.
Hiện một phong trào phản kháng Taliban đang được hình thành ở Thung lũng Panjshir của Afghanistan, nơi được xem là thành trì cuối cùng không nằm trong tay Taliban, do Phó Tổng thống Afghanistan Amrullah Saleh và Ahmad Massoud, con trai của một "tư lệnh thánh chiến" nổi tiếng chống Taliban, đứng đầu. Ông Massoud kêu gọi tiến hành đàm phán nhằm thành lập một chính phủ toàn diện cho Afghanistan, đồng thời tuyên bố sẽ phản kháng nếu các lực lượng Taliban tiến vào thung lũng này.
Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Iran ngày 23/8 kêu gọi các bên ở Afghanistan kiềm chế sử dụng bạo lực, khẳng định Tehran ủng hộ việc thành lập một chính phủ toàn diện ở Kabul.
Phát biểu tại cuộc họp báo, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Saeed Khatibzadeh nêu rõ: “Tất cả các nhóm và phe phái chính trị (ở Afghanistan) phải kiềm chế sử dụng bạo lực và thúc đẩy tiến hành đàm phán và thương lượng”. Ông nhấn mạnh Iran thường giữ liên lạc với phe chính trị ở Afghanistan và ủng hộ sự chuyển giao quyền lực hoà bình cho một chính phủ toàn diện.