Trong ngày 16/5, Indonesia vượt Singapore về số ca mắc khi nước này có thêm 529 người mắc COVID-19, cao hơn so với con số 465 của Singapore. Ngoài ra Philippines cũng ghi nhận ca mắc hàng ngày ở ba con số (214 ca) , các nước còn lại có số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 không đáng kể trong ngày 16/5.
Trong 24 giờ qua, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) có 25 ca tử vong vì COVID-19. Cụ thể, Indonesia ghi nhận 13 ca, Philippines 11 ca và Malaysia 1 ca.
Campuchia không còn bệnh nhân COVID-19
Ngày 16/5, Bộ Y tế Campuchia thông báo bệnh nhân mắc COVID-19 cuối cùng của nước này đã hồi phục và xuất viện. Dù không còn ca mắc COVID-19 nào nhưng bộ này vẫn khuyến cáo người dân tiếp tục thận trọng.
Theo đó, một nữ bệnh nhân 36 tuổi ở tỉnh Banteay Meanchey, miền Tây Bắc Campuchia đã được bệnh viện hữu nghị Khmer - Liên Xô chữa khỏi và cho xuất viện. Tuy nhiên, thông báo của Bộ Y tế Campuchia không đề cập đến các biện pháp hạn chế liên quan đến virus SARS-CoV-2 như đóng cửa các trường học và kiểm soát biên giới, cũng như các biện pháp cách ly. Bộ trưởng Y tế Campuchia Mam Bunheng cũng kêu gọi người dân thận trọng và tuân thủ các biện pháp phòng ngừa như không tụ tập đông người.
Phát biểu với các phóng viên, ông Bunheng cho biết phần lớn các ca mắc COVID-19 tại Campuchia là các ca ngoại nhập. Do đó, giới chức sẽ tiếp tục kiểm tra tất cả chốt chặn ở biên giới, sân bay, bến cảnh và cửa khẩu. Những người đến từ nước ngoài phải có giấy xác nhận không mắc COVID-19 và được cách ly 14 ngày khi tới Campuchia.
Campuchia ghi nhận tổng cộng 122 ca nhiễm virus và không có ca nào tử vong. Lần mới nhất quốc gia này ghi nhận ca nhiễm mới là ngày 12/4. Bộ Y tế Campuchia cho biết đã tiến hành 14.648 xét nghiệm kể từ tháng 1.
Thái Lan không ghi nhận ca mắc hay tử vong mới
Ngày 16/5, Thái Lan không ghi nhận bất cứ ca mắc mới hay tử vong nào do COVID-19 trong bối cảnh nước này bắt đầu mở cửa trở lại hoạt động kinh doanh và nới lỏng hạn chế.
Người phát ngôn Trung tâm Quản lý tình huống COVID-19 Taweesin Visanuyothin cho biết: "Hôm nay không có ai tử vong và không có ca mắc bệnh mới... Cảm ơn tất cả người dân Thái Lan đã hợp tác". Đây là lần thứ hai kể từ ngày 9/3 Thái Lan không ghi nhận ca nhiễm mới theo ngày nào.
Đến nay Thái Lan ghi nhận tổng cộng 3.025 ca mắc và 56 người tử vong do dịch COVID-19.
Từ ngày 17/5, Thái Lan sẽ cho phép các trung tâm thương mại và cửa hàng mua sắm được hoạt động trở lại. Nước này sẽ rút ngắn bớt 1 giờ lệnh giới nghiêm ban đêm, từ 23 giờ hôm trước tới 4 giờ sáng hôm sau, thay vì từ 22 giờ như trước đó.
Cơ quan Đường sắt Nhà nước Thái Lan thông báo toàn bộ giờ hoạt động của tuyến đường sắt trên cả nước sẽ được điều chỉnh từ ngày 17/5 để đáp ứng giờ giới nghiêm mới. Dù có sự thay đổi về giờ giới nghiêm, song các chuyến bay quốc tế vẫn đang bị cấm theo sắc lệnh khẩn cấp dự kiến kết thúc vào ngày 31/5 tới. Trong khi đó, dịch vụ tàu điện ngầm sẽ kéo dài thời gian hoạt động hàng ngày tới 22 giờ 30 phút, để các hành khách có thể kịp về nhà trước khi giờ giới nghiêm bắt đầu.
Trong bối cảnh Thái Lan bắt đầu từng bước nới lỏng các biện pháp phong tỏa phòng chống COVID-19, chính phủ nước này cũng đang tìm cách củng cố vị trí của đất nước là trung tâm y tế tiên tiến ở châu Á. Từ trước khi bùng nổ đại dịch COVID-19, Thái Lan đã nỗ lực để trở thành trung tâm y tế của châu Á với kế hoạch chiến lược trong giai đoạn 2016-2025 của Bộ Y tế có tên gọi: “Thái Lan: Trung tâm về Sức khỏe và Dịch vụ Y tế”. Kế hoạch chiến lược này cũng phù hợp với chiến lược tổng thể Thái Lan 4.0 của Chính phủ nhằm đưa đất nước thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình nhờ nuôi dưỡng các ngành sáng tạo, chế tạo giá trị cao và dịch vụ.
Do đại dịch COVID-19 đã gây thêm căng thẳng trong những dịch vụ y tế tuyến đầu và các chuỗi cung ứng giai đoạn cuối, Ủy ban Đầu tư của Thái Lan (BoI) hồi tháng trước đã công bố những biện pháp bổ sung nhằm thúc đẩy đầu tư vào ngành y tế, điều có thể mang lại những khích lệ tích cực cho các mục tiêu chiến lược rộng lớn hơn của khu vực này.
Một số quốc gia vẫn ghi nhận các ca nhiễm mới
Cùng ngày, các quốc gia khác trong khu vực Đông Nam Á như Singapore, Indonesia, Philippines và Malaysia vẫn ghi nhận những ca nhiễm mới.
Ngày 16/5, Singapore, quốc gia đang là điểm nóng dịch bệnh của khu vực, thông báo ghi nhận 465 trường hợp nhiễm virus, đưa tổng số ca mắc bệnh ở nước này lên 27.356 ca. Thông báo của Bộ Y tế Singapore nêu rõ đa số ca nhiễm mới là lao động nhập cư, sống trong các khu nhà trọ, chỉ có 4 trường hợp là cư dân Singapore.
Tính đến ngày 16/5, Indonesia ghi nhận tổng cộng 17.025 ca mắc bệnh và 1.089 ca tử vong sau khi ghi nhận lần lượt 529 ca nhiễm và 13 ca tử vong trong ngày.
Trong khi đó, Philippines ghi nhận tổng cộng 12.305 ca nhiễm virus, cao hơn 214 ca so với một ngày trước đó và 817 ca tử vong, thêm 11 ca so với một ngày trước. Từ ngày 16/5, quốc gia này bắt đầu nới lỏng lệnh phong tỏa ở thủ đô Manila, tâm dịch của cả nước, và nhiều thành phố lớn khác cũng dần tái khởi động các hoạt động kinh tế sau thời gian trì trệ vì các biện pháp cách ly.
Malaysia cũng thông báo thêm 17 ca nhiễm mới và 1 ca tử vong, nâng tổng số ca mắc và tử vong vì dịch bệnh tại đây lên lần lượt là 6.872 và 113 ca tử vong.
Lục quân Malaysia (TDM) sẽ đánh giá lại học thuyết về huấn luyện cũng như yêu cầu về trang thiết bị nhằm đối phó với những sự kiện có tính toàn cầu như đại dịch COVID-19. Ngày 15/5, Tư lệnh TDM - Đại tướng Ahmad Hasbullah Mohd Nawawi, cho biết dịch bệnh COVID-19 đã tạo ra một tình thế mới đối với quân đội Malaysia, đó là họ phải thực hiện một chiến dịch mà ở đó kẻ thù là vô hình.
Trong thời gian Chính phủ Malaysia áp dụng Mệnh lệnh Kiểm soát Di chuyển (MCO) để ngăn chặn dịch bệnh COVID-19 từ ngày 18/3, quân đội nước này đã được huy động để thực thi MCO. Hàng ngàn binh lính đã được triển khai tại các điểm lập chốt kiểm soát, sát cánh cùng lực lượng cảnh sát trên khắp toàn quốc. Sự tham gia của quân đội được đánh giá đã góp phần quan trọng vào việc thực thi thành công MCO.