Tình hình COVID-19 hết ngày 20/4 tại ASEAN: 1.171 người tử vong, Singapore tăng kỷ lục số ca nhiễm

Đến hết ngày 20/4, khu vực Đông Nam Á ghi nhận tổng cộng trên 30.000 ca mắc bệnh COVID-19 và 1.171 người tử vong. Tiếp tục chuỗi ngày dịch "đảo chiều" lây lan mạnh, Singapore trải qua một ngày có số ca mắc bệnh mới cao kỷ lục, 1.426 trường hợp.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế Malaysia chuẩn bị tiến hành xét nghiệm COVID-19 tại Kuala Lumpur ngày 15/4/2020. Ảnh: EPA 

Tính tới 23h59’ ngày 20/4, Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đã có tổng cộng 30.130  ca nhiễm virus Corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, trong đó có 1.877 trường hợp mới mắc bệnh.

Virus SARS-CoV-2 đã cướp đi sinh mạng của 1.171 người dân trong khu vực. Bên cạnh đó, các nước ASEAN cũng chứng kiến số bệnh nhân được điều trị thành công tăng lên 7.862 trường hợp.

Singapore trước nguy cơ mất kiểm soát 

Ngày 20/4, Singapore ghi nhận thêm số ca mắc bệnh COVID-19 tăng cao kỷ lục với 1.426 ca trong vòng 24h qua, nâng tổng số ca mắc tại đây lên 8.014 ca. Như vậy, Singapore tiếp tục có số ca mắc cao nhất tại Đông Nam Á sau khi vượt Indonesia và Malaysia ngày 19/4.

Giới chức Singapore thừa nhận số ca nhiễm sẽ còn tăng mạnh trong những ngày tới do nước này đang triển khai xét nghiệm diện rộng. Giới quan sát dự báo số ca nhiễm có thể sẽ lên tới 20.000 ca vào cuối tháng 4 này. 

Chú thích ảnh
Người lao động đeo khẩu trang nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19 tại Singapore ngày 15/4/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Từng được đánh giá là quốc gia kiểm soát tốt dịch bệnh nhưng Singapore đang phải đối mặt với nguy cơ mất kiểm soát do dịch bệnh bùng phát tại các khu nhà ở của công nhân nhập cư từ nước ngoài. Singapore có 43 khu nhà ở của công nhân với khoảng 200.000 lao động. Có khu nhà ở của 20.000 công nhân đến nay đã phát hiện 1.500 ca nhiễm. Ngoài ra, còn 1.200 khu nhà ở khác được hoán cải từ các nhà máy, nhà kho với khoảng 100.000 công nhân lưu trú. Mỗi phòng ngủ tại các khu nhà này thường có từ 10-12 công nhân.

Nguồn lây nhiễm thứ hai mà các nhà chức trách Singapore lo ngại không kém là lây nhiễm chéo trong cộng đồng, đặc biệt là từ những người nhiễm mà không có biểu hiện bệnh. Số ca nhiễm mới không rõ nguồn gốc bình quân mỗi ngày trong tuần qua là 22 ca, tăng nhẹ so với con số bình quân 19 ca nhiễm/ngày của tuần trước đó.

Hiện Singapore đang thực hiện chiến lược 3 mũi nhọn để dập dịch tại các khu nhà ở của công nhân gồm: Thực hiện cách ly với toàn bộ các khu nhà ở của công nhân, kể cả nơi chưa có dịch bệnh lây nhiễm; yêu cầu công nhân ở nguyên trong phòng, hạn chế ra ngoài; chuyển khoảng 7.000 công nhân làm việc trong các lĩnh vực thiết yếu ra khu vực khác.

Chú thích ảnh
Đa số các ca mắc COVID-19 tại Singapore sống trong những khu nhà ở dành cho công nhân nước ngoài. Ảnh: Straits Times 

Singapore cũng đang bắt đầu giảm bớt các hoạt động trước đây được cho là thiết yếu để hạn chế lưu lượng người đi lại. Bắt đầu từ ngày 20/4, toàn bộ 180.000 lao động trong ngành xây dựng (chủ yếu ở trong các khu nhà dành cho công nhân) và người đi theo sẽ cách ly tại nhà cho tới ngày 4/5.

Đối với nguồn lây nhiễm trong cộng đồng, Singapore tiếp tục triển khai các biện pháp giãn cách xã hội, tăng cường tuần tra và xử phạt. Dù mức xử phạt không hề nhẹ, 300 đôla Singapore cho lần đầu vi phạm, tuy nhiên số vụ việc vi phạm vẫn không có chiều hướng giảm. Chỉ tính trong ngày 19/4, đã có 240 người bị phạt vì không giữ khoảng cách an toàn và 120 người bị phạt vì không đeo khẩu trang.

Indonesia: Công chức làm việc tại nhà đến giữa tháng 5

Ngày 20/4, Bộ trưởng Cải cách Hành chính Indonesia, Tjahjo Kumo cho biết chính phủ nước này đã quyết định kéo dài thời gian làm việc tại nhà đối với công chức nhà nước đến ngày 13/5 để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh COVID-19, và sẽ được kéo dài thêm khi cần thiết.

Số lượng nhân viên trong các cơ quan, văn phòng phải càng ít càng tốt, tuy nhiên, các bộ, tổ chức và tỉnh, thành phố phải điều chỉnh để đảm bảo hệ thống làm việc không ảnh hưởng đến công việc hàng ngày cũng như các dịch vụ công cộng.

Chú thích ảnh
 Binh sĩ và cảnh sát Indonesia phun thuốc khử trùng nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19 tại Surabaya ngày 16/4/2020. Ảnh: THX/TTXVN

Bộ Y tế Indonesia cho biết ngày 20/4, nước này đã ghi nhận thêm 185 ca mắc COVID-19, nâng tổng số ca mắc tại đây lên thành 6.760 người, trong đó có 590 ca tử vong, tăng 8 người. Ngoài ra, 747 bệnh nhân đã hồi phục và xuất viện.

Cùng ngày, Bộ Ngoại giao Indonesia thông báo đã có 473 công dân Indonesia ở nước ngoài nhiễm virus SARS-CoV-2, 19 người tử vong và 109 người bình phục. Trong số những người mắc COVID-19, số thành viên thủy thủ đoàn trên các tàu du lịch chiếm tỷ lệ nhiều nhất. 

Campuchia: Cách ly 10.000 công nhân dệt may

Tại Campuchia, nhà chức trách cho biết hơn 10.000 công nhân ngành dệt may từ các tỉnh quay trở lại Phnom Penh làm việc sau Tết mừng năm mới Khmer Chol Chhnam Thmey sẽ được đưa vào các điểm cách ly bắt buộc.

Phát biểu tại một cuộc họp báo của Bộ Y tế sáng 20/4, Bộ trưởng Y tế Campuchia Mam Bun Heng  cho biết các công nhân sẽ được kiểm tra và cách ly 14 ngày tại 10 trung tâm do Bộ Lao động và Đào tạo nghề Campuchia chuẩn bị. Cũng theo Bộ Trưởng Bun Heng, dù cho đến 9h ngày 20/4, Campuchia liên tiếp 7 ngày không phát hiện ca mắc mới, 107/122 bệnh nhân đã hồi phục nhưng Campuchia cần phải hết sức thận trọng.

Malaysia: Số ca nhiễm virus tăng thấp nhất

Giới chức y tế Malaysia ngày 20/4 thông báo có thêm 36 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 trong 24 giờ qua, mức tăng thấp nhất trong ngày kể từ khi chính phủ áp đặt các biện pháp hạn chế đối với hoạt động đi lại và thương mại nhằm ngăn chặn sự lây lan của đại dịch một tháng trước.

Như vậy, tới thời điểm hiện tại, Malaysia ghi nhận tổng cộng 5.425 ca mắc COVID-19. Bộ Y tế nước này không ghi nhận thêm ca tử vong trong ngày 20/4, nên tổng số ca tử vong tại Malaysia hiện vẫn là 89 người. Ngành y tế cũng đã điều trị thành công cho 3.295 bệnh nhân COVID-19.

Thái Lan xây dựng chiến lược dỡ bỏ phong toả

Chú thích ảnh
Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Bangkok, Thái Lan ngày 15/4/2020. Ảnh: AFP/ TTXVN

Ngày 20/4, Bộ Y tế Thái Lan đã đề xuất 5 yêu cầu đối với một chiến lược nới lỏng và dỡ bỏ lệnh phong tỏa dịch COVID-19, bắt đầu với 32 trong tổng số 77 tỉnh thành trên cả nước. Trong số các yêu cầu đó có việc: tiếp tục sàng lọc nghiêm ngặt du khách đến Thái Lan; tất cả người dân phải tuân thủ nghiêm túc những hướng dẫn vệ sinh như đeo khẩu trang khi đến những địa điểm công cộng, tuân thủ giãn cách xã hội và hạn chế tụ tập; Khu vực kinh tế tư nhân phải cân nhắc phân loại các doanh nghiệp sẽ được mở trở lại dựa trên những nguy cơ (cao, trung bình và thấp) và vạch ra những lộ trình nhằm giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm; Các địa điểm kinh doanh phải thoáng khí và được thông gió tốt, xác định khoảng cách bên trong một khu vực dịch vụ...

Trong ngày 20/4, Thái Lan đã ghi nhận thêm 27 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19, nâng tổng số ca mắc bệnh lên 2.792 người. Trung tâm Quản lý tình hình dịch COVID-19 của Chính phủ Thái Lan xác nhận trong 3 ngày liên tiếp vừa qua, nước này đã không có thêm ca tử vong nào do COVID-19. Số ca tử vong hiện vẫn là 47 người, trong khi có 1.999 bệnh nhân đã bình phục.

Philippines: Thêm 200 ca mắc bệnh mới

Bộ Y tế Philppines ngày 20/4 thông báo nước này ghi nhận thêm 200 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 mới trong ngày, nâng tổng số người bệnh lên 6.459. Trong 24 giờ có thêm 19 bệnh nhân COVID-19 tử vong, nâng tổng số ca tử vong lên 428 người. Số người đã bình phục ở nước này là 613 bệnh nhân. 

Philippines áp đặt lệnh phong toả từ 16/3 tại khu vực miền Bắc đất nước. Hiện tại nước này đang tìm mọi cách để nâng công suất của hệ thống chăm sóc sức khoẻ do số ca mắc bệnh tăng cao. Philippines cũng đang nỗ lực tuyển dụng các nhân viên y tế, bao gồm từ bác sĩ, y tác, kỹ thuật viên máy thở... để tăng cường cho lực lượng tiền tuyến tại các bệnh viện. Gần 800 bác sĩ và y tác Philippines được cho là đã nhiễm virus SARS-CoV-2.

Chú thích ảnh
Cảnh vắng vẻ tại sân bay quốc tế Manila Ninoy Aquino ở Paranaque, Philippines ngày 19/4/2020 trong bối cảnh dịch COVID-19 bùng phát mạnh. Ảnh: THX/ TTXVN

Trong một diễn biến liên quan, Philippines có nguy cơ mất đi khoảng 4,5 tỷ USD kiều hối trong năm 2020 từ khoảng 10 triệu người lao động Philippines ở nước ngoài do ảnh hưởng của đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19. 

Trong khi đó, ngày 20/4, các quốc gia còn lại trong khu vực bao gồm Việt Nam, Brunei, Campuchia, Myanmar, Lào đều không ghi nhận thêm ca mắc bệnh mới nào. Việt Nam vẫn 2 ca, Campuchia 122, Myanmar 111, Lào 19 ca. Timor Leste có thêm 3 ca bệnh mới trong 24h qua, nâng tổng số ca lên 22.

Thu Hằng/Báo Tin tức
Diễn biến dịch COVID-19 tới 6h sáng 21/4: Thế giới trên 170.000 ca tử vong, nước Mỹ vượt 42.000 ca
Diễn biến dịch COVID-19 tới 6h sáng 21/4: Thế giới trên 170.000 ca tử vong, nước Mỹ vượt 42.000 ca

Trong vòng 24h qua, tính tới 6h sáng 21/4, thế giới đã ghi nhận thêm gần 70.000 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 và trên 5.000 ca tử vong mới. Tổng số ca mắc bệnh COVID-19 trên toàn cầu đã vượt 2,47 triệu người và trên 170.000 ca tử vong, trong đó số ca tử vong tại Mỹ vượt qua ngưỡng 40.000 người.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN