Singapore ghi nhận 447 ca dương tính với virus Corona chủng mới (SARS-CoV-2) trong ngày 2/5, giảm mạnh so với con số 932 ca của ngày 1/5. Singapore vẫn là nước có tổng số ca mắc COVID-19 cao nhất ASEAN, với 17.548 ca. Đứng sau là Indonesia (10.843 ca) và Philippines (8.928 ca).
Về số ca tử vong, Indonesia đứng đầu khối với 831 ca, tiếp sau là Philippines với 603 ca.
Tình hình dịch COVID-19 tại Brunei, Campuchia, Lào, Timor-Leste và Việt Nam có xu hướng ổn định, không có ca mắc mới.
Biểu đồ so sánh ca mắc và ca tử vong tại ASEAN (số liệu ngày 2/5):
Singapore tiến tới nới lỏng hạn chế xã hội
Bộ trưởng Y tế Singapore Gan Kim Yong ngày 2/5 cho biết nước này sẽ bắt đầu nới lỏng một số hạn chế từng được áp đặt nhằm kiềm chế COVID-19 trong vài tuần tới.
Một số hoạt động như kinh doanh tại nhà, dịch vụ giặt là và cắt tóc sẽ được phép mở cửa trở lại từ ngày 12/5. Các học sinh sẽ được phép quay lại trường học theo những nhóm nhỏ từ ngày 19/5. Một số cơ sở làm việc sẽ dần nối lại hoạt động tùy theo tầm quan trọng của những cơ sở này đối với nền kinh tế, chuỗi cung ứng và khả năng giảm thiểu rủi ro truyền nhiễm.
Đảo quốc 5,7 triệu dân này là một trong những nước có số ca mắc COVID-19 nhiều nhất ở châu Á, chủ yếu do bùng phát dịch bệnh tại các khu nhà ở tập thể chật hẹp dành cho người lao động di cư. Singapore đang tìm cách hạn chế sự lây lan dịch COVID-19 ở các địa phương bên ngoài những khu nhà ở tập thể nêu trên.
Thái Lan: Số ca mắc mới ở mức một con số trong 6 ngày liền
Giới chức y tế Thái Lan ngày 2/5 xác nhận 6 ca mắc COVID-19, nhưng không ghi nhận trường hợp tử vong nào.
Đến nay, Thái Lan đã 6 ngày liên tiếp ghi nhận số ca COVID-19 mắc mới theo ngày ở mức 1 con số, trong đó hai ngày 1 và 2/5 có số lượng thấp nhất kể từ hôm 14/3.
Như vậy, tính đến ngày 2/5, Thái Lan có tổng cộng 2.966 bệnh nhân COVID-19, trong đó có 54 trường hợp tử vong. Thái Lan đã chữa khỏi cho 2.732 bệnh nhân COVID-19, trong khi còn 180 bệnh nhân đang được điều trị tại các cơ sở y tế.
Việc số ca nhiễm mới giảm xuống ở mức một con số trong nhiều ngày liên tiếp là căn cứ quan trọng để Chính phủ Thái Lan quyết định nới lỏng một số biện pháp kiềm chế đại dịch COVID-19 áp đặt hơn một tháng qua, mặc dù Sắc lệnh về tình trạng khẩn cấp và lệnh giới nghiêm ban đêm vẫn sẽ có hiệu lực cho tới hết tháng 5.
Giai đoạn 1 của quá trình nới lỏng bắt đầu từ đầu tháng 5 đối với 6 loại hình kinh doanh và sẽ kéo dài trong 14 ngày, sau đó Chính phủ Thái Lan đánh giá xem liệu có tiếp tục nới lỏng hơn nữa hay không. Trung tâm Quản lý Tình hình COVID-19 (CCSA) nói rằng nếu việc nới lỏng gây ra đợt bùng phát mới thì họ sẽ trở lại với những biện pháp chặt chẽ.
Từ ngày 1/5, 4 hãng hàng không là Nok Air, AirAsia, Thai Lion Air và Thai Vietjet Air đã nối lại các chuyến bay nội địa giữa 14 sân bay trong nước với những biện pháp giữ vệ sinh công cộng chưa có tiền lệ do Cơ quan Hàng không Dân dụng Thái Lan (CAAT) đặt ra nhằm giảm nguy cơ lây nhiễm COVID-19.
Cục Cảng hàng không đã lắp đặt các tấm chắn trong suốt để ngăn tiếp xúc giữa hàng khách và các nhân viên sân bay. Tất cả hành khách sẽ được yêu cầu đi qua khu vực đo thân nhiệt, trong khi nhân viên sân bay phải đeo khẩu trang, tấm chắn giọt bắn và găng tay. Tất cả các điểm tiếp xúc và bề mặt cũng như hành lý của hành khách sẽ được khử trùng. Để đảm bảo giãn cách xã hội, CAAT đã giảm số lượng hành khách được phép lên các xe đưa khách ra máy bay và ngược lại từ 60 xuống còn 20 người mỗi chuyến.
Trong khi đó, Chính phủ Thái Lan cũng cho phép bán đồ uống có cồn từ ngày 3/5, nhưng người dân chỉ được phép mua mang về nhà, chứ không được uống tại các nhà hàng khi mở lại.
Malaysia xét nghiệm hàng loạt người nhập cư bất hợp pháp
Tính tới hết ngày 2/5, Malaysia ghi nhận 6.176 ca mắc COVID-19, trong đó 103 ca tử vong.
Giám đốc cảnh sát quốc gia Malaysia cho biết nhà chức trách nước này đã bắt đầu tập trung những người nhập cư bất hợp pháp vào những cơ sở tạm giữ nhằm ngăn chặn COVID-19 lây lan. Thông báo này được đưa ra sau khi hàng trăm người nhập cư không có giấy tờ hợp pháp đã bị bắt giữ ở thủ đô Kuala Lumpur.
Trên 700 người đang bị giam giữ, trong đó có trẻ em và người tị nạn Rohingya đến từ Myanmar, trong cuộc truy quét vào khu vực trung tâm thủ đô, nơi hàng nghìn người nhập cư và người xin tị nạn đang sinh sống.
Chiến dịch này nhằm ngăn chặn những người nhập cư trái phép di chuyển sang các khu vực khác giữa lúc chính phủ đã áp dụng lệnh hạn chế đi lại để ngăn dịch bệnh lây lan.
Quan chức y tế cấp cao của Malaysia, ông Noor Hisham Abdullah cho biết Malaysia sẽ xét nghiệm hàng loạt người nhập cư bất hợp pháp nhằm phát hiện virus SARS-CoV-2. Quan chức y tế Malaysia cũng cho hay giới chức sẽ bảo vệ người nhập cư bất chấp tình trạng pháp lý của họ hoặc thậm chí họ đang bị giam giữ hay ở trong các trung tâm cho người nhập cư bất hợp pháp.
Malaysia có khoảng 2 triệu lao động nước ngoài có đăng ký hợp pháp, nhưng nhà chức trách cho biết rất đông người sống tại nước này không có giấy tờ hợp lệ.
Indonesia có thêm hàng trăm ca mắc COVID-19
Quan chức Bộ Y tế Indonesia Achmad Yurianto cho biết trong ngày 2/5, nước này có 292 ca mắc COVID-19, nâng tổng số ca mắc ở đây lên thành 10.843. Trong khi đó, số ca tử vong do COVID-19 ở Indonesia đã lên tới 831 người sau khi ghi nhận 31 ca tử vong trong vòng 24 giờ qua. Số bệnh nhân COVID-19 hồi phục ở Indonesia đã lên tới 1.665 người.
Thủ đô Jakarta của Indonesia sẽ hạn chế số lượng người vào thủ đô sau kỳ nghỉ lễ Idul Fitri nhằm ngăn chặn COVID-19 lây lan. Truyền thông địa phương ngày 2/5 dẫn lời Thống đốc Jakarta, ông Anies Baswedan cho biết chính quyền thủ đô đang soạn thảo một quy định nhằm hạn chế số lượng người vào thành phố sau kỳ nghỉ lễ Idul Fitri (bắt đầu vào ngày 23/5 tới). Phát biểu trong cuộc họp báo, ông Anies nhấn mạnh rằng người dân Jakarta được khuyến cáo không rời khỏi thành phố để trở về quê nhân dịp lễ nói trên. Nếu rời thành phố, có thể họ sẽ không được sớm quay trở lại.
Sau khi kêu gọi người dân không về quê nhân dịp lễ Idul Fitri hôm 21/4, Chính phủ Indonesia đã chính thức cấm cuộc di cư hàng năm với sự tham gia của hàng chục triệu người này trong một nỗ lực nhằm hạn chế sự lây lan của dịch COVID-19.
Pháp hỗ trợ tài chính 5 nước ASEAN chống dịch COVID-19
Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) đã cung cấp một gói hỗ trợ công tác phòng chống dịch COVID-19 trị giá 2 triệu euro cho 5 nước ASEAN.
Theo một tuyên bố chung được công bố chiều 1/5, gói hỗ trợ tài chính của AFD sẽ được phân bổ cho 5 nước ASEAN, gồm Việt Nam, Campuchia, Lào, Myanmar và Philippines, nhằm tăng cường công tác giám sát, chẩn đoán và củng cố hệ thống ứng phó với đại dịch COVID-19 tại các nước này.
Với khoản viện trợ trên, AFD hy vọng rằng các phòng thí nghiệm ở 5 quốc gia trên sẽ tăng cường năng lực trong giai đoạn ứng phó đại dịch COVID-19 như có thêm các trang thiết bị, các bộ xét nghiệm virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19, đồ bảo hộ dành cho các nhân viên y tế...