Theo thống kê của trang worldometers.info, tính tới 23 giờ 59 phút ngày 10/5, khu vực Đông Nam Á có tổng cộng 58.601 trường hợp dương tính với virus Corona chủng mới (SARS-CoV-2), tăng 1.521 ca so với 1 ngày trước.
Virus SARS-CoV-2 đã cướp đi sinh mạng của 1.883 người dân ở khu vực này, tăng 29 trường hợp so với một ngày trước đó. Bên cạnh đó, khu vực ASEAN cũng chứng kiến số bệnh nhân được điều trị thành công tăng lên 15.763 trường hợp.
Trong vòng 24 giờ qua, Singapore là quốc gia có số ca mắc bệnh COVID-19 cao nhất khu vực với 876 ca; Philippines ghi nhận số ca tử vong cao nhất với 15 trường hợp. Thái Lan ghi nhận các ca COVID-19 đầu tiên sau khoảng 1 tuần.
Số liệu dịch COVID-19 tại ASEAN tới hết ngày 10/5
Quốc gia |
Tổng số ca mắc |
Ca mắc mới |
Tổng ca tử vong |
Ca tử vong mới |
Ca phục hồi |
Singapore |
23.336 |
+876 |
20 |
|
2.721 |
Indonesia |
14.032 |
+7 |
973 |
+14 |
2.698 |
Philippines |
10.794 |
+184 |
719 |
+15 |
1.924 |
Malaysia |
6.656 |
+67 |
108 |
|
5.025 |
Thailand |
3.009 |
+5 |
56 |
|
2.794 |
Việt Nam |
288 |
|
|
|
241 |
Myanmar |
180 |
+2 |
6 |
|
72 |
Brunei |
141 |
|
1 |
|
134 |
Cambodia |
122 |
|
|
|
120 |
Timor-Leste |
24 |
|
|
|
21 |
Lào |
19 |
|
|
|
13 |
Ngày 10/5, Thái Lan đã thông báo về 5 ca mắc COVID-19, song không có trường hợp tử vong. Như vậy, kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát ở Thái Lan hồi tháng 1, quốc gia Đông Nam Á này đã ghi nhận tổng cộng 3.009 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 và 56 trường hợp tử vong.
Tuy nhiên, theo người phát ngôn Trung tâm quản lý tình hình dịch bệnh COVID-19 của Chính phủ Thái Lan - ông Taweesin Wisanuyothin, còn có 4 ca nhiễm bệnh mới từ hòn đảo nghỉ dưỡng Phuket. Những người này sẽ được đưa vào số liệu thống kê trong ngày 11/5.
Kết quả thăm dò dư luận của Viện Quản lý Phát triển Quốc gia (NIDA) của Thái Lan công bố ngày 10/5 cho thấy đa số người dân nước này đồng ý rằng những hạn chế được áp đặt nhằm ngăn chặn sự lây lan của đại dịch COVID-19 nên được nới lỏng vào lúc này khi tình hình dịch bệnh đã cải thiện.
Cuộc thăm dò của NIDA được tiến hành từ ngày 4-7/5 đối với 1.259 người trên 18 tuổi trên khắp Thái Lan để thu thập ý kiến về những biện pháp do chính phủ áp đặt, kể cả việc phong tỏa đất nước. Khi được hỏi liệu những biện pháp hạn chế có nên được nới lỏng hay không, hơn 83,9% trả lời đồng ý.
Trong số này, 34,39% nói họ rất đồng ý do số ca mắc COVID-19 đã giảm, người dân đã thực hiện những hướng dẫn y tế và một số lĩnh vực kinh doanh đã được phép hoạt động trở lại. Trong khi đó, 49,56% số người đồng ý nói rằng việc nới lỏng sẽ cho phép người dân trở lại với cuộc sống bình thường.
Thái Lan bắt đầu giai đoạn 1 của tiến trình nới lỏng phong tỏa từ ngày 3/5, mặc dù Sắc lệnh về tình trạng khẩn cấp và lệnh giới nghiêm ban đêm vẫn còn hiệu lực cho tới hết tháng 5. Giai đoạn 2 của tiến trình gồm 4 giai đoạn này dự kiến sẽ bắt đầu từ ngày 17/5 nếu số ca mắc COVID-19 mới không tăng.
Giới chức y tế Thái Lan cho biết những địa điểm đông người như trung tâm thương mại, phòng tập thể thao và khu vui chơi ngoài trời dự kiến sẽ được mở cửa trở lại nếu số lượng các ca nhiễm mới tiếp tục giảm thêm một tuần nữa. Trong khi đó, khu chợ ngoài trời cuối tuần lớn nhất Thái Lan ở thủ đô Bangkok là Chatuchak đã được mở cửa trở lại từ ngày 9/5, nhưng những người bán hàng phải tuân thủ chặt chẽ quy định giãn cách xã hội và chưa được hoạt động vào ban đêm do lệnh giới nghiêm vẫn còn hiệu lực.
Theo số liệu chính thức công bố, trong 24 giờ qua, Malaysia ghi nhận thêm 67 ca nhiễm virus SARS-CoV-2, đưa tổng số ca mắc COVID-19 ở nước này lên 6.656 người, trong đó có 108 ca tử vong.
Chính phủ Malaysia đã quyết định gia hạn các biện pháp hạn chế đi lại và kinh doanh thêm 4 tuần đến ngày 9/6, trong bối cảnh quốc gia Đông Nam Á này đang dần mở cửa trở lại hoạt động kinh tế vốn bị đình trệ bởi đại dịch COVID-19.
Phát biểu trên truyền hình ngày 10/5, Thủ tướng Muhyiddin Yassin nhấn mạnh những quy định hiện hành theo lệnh kiểm soát đi lại có điều kiện sẽ tiếp tục được duy trì cho tới thời hạn mới vào tháng 6, trong đó có quy định thực hiện vệ sinh và giãn cách xã hội một cách nghiêm ngặt. Trước đó, từ ngày 4/5, Malaysia bắt đầu nới lỏng một phần những hạn chế được áp đặt từ giữa tháng 3 vừa qua nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19.
Trong khi đó, số ca mắc COVID-19 ở Singapore và Philippines vẫn tiếp tục gia tăng. Bộ Y tế Singapore thông báo trong 24 giờ qua, nước này phát hiện thêm 876 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca lên 23.336 người.
Đa số các ca nhiễm mới là người lao động nhập cư sống tập trung trong các khu nhà tập thể. Số ca tử vong ở Singapore không tăng, hiện đang là 20 người.
Cùng ngày, Bộ Y tế Philippines cũng xác nhận 184 ca nhiễm, đưa tổng số ca ở nước này lên 10.794 người. Cũng trong 24 giờ qua, Philippines có 15 ca tử vong, nâng tổng số ca tử vong lên 719 người. Số trường hợp hồi phục hiện là 1.924 người.
Tại quốc gia Đông Nam Á khác là Indonesia, ngày 10/5 chính phủ nước này thông báo 7 ca nhiễm, nâng tổng số ca nhiễm lên 14.032 người. Indonesia cũng ghi nhận 14 ca tử vong, nâng tổng số ca tử vong lên 973 người.
Tai Myanmar, quân đội nước này đã công bố một giai đoạn ngừng bắn kéo dài gần 4 tháng nhằm giúp chống lại dịch bệnh COVID-19. Theo tuyên bố của Văn phòng Tổng tư lệnh các quân chủng quốc phòng Myanmar, lệnh ngừng bắn sẽ được áp đặt tại một số khu vực, ngoại trừ những nơi các tổ chức vũ trang bị chính phủ cho là khủng bố hoạt động. Giai đoạn ngừng bắn của quân đội nước này kéo dài từ ngày 10/5-31/8.
Các tổ chức vũ trang sắc tộc được khuyến cáo tuân thủ 4 nguyên tắc trong Nguyên tắc hòa bình gồm 6 điểm của Tổng tư lệnh các quân chủng quốc phòng. 4 nguyên tắc hòa bình này bao gồm giữ vững cam kết đối với các thỏa thuận, tôn trọng pháp luật hiện hành, tránh sử dụng sai thỏa thuận hòa bình và không đặt gánh nặng lên người dân địa phương.
Trong tuyên bố, quân đội kêu gọi các tổ chức vũ trang sắc tộc có trách nhiệm và kiềm chế nhằm tránh xung đột với nhau. Quân đội sẽ hành động nếu có bất kỳ sự vi phạm nào đối với những chỉ thị đã được đề cập. Ngoài ra, quân đội cam kết tiếp tục tham gia vào tiến trình toàn quốc về phòng chống, kiểm soát và điều trị trong đại dịch COVID-19.
Trong 24 giờ qua, Việt Nam, Lào, Campuchia, Brunei và Timor Leste tiếp tục thành công trong nỗ lực khống chế đại dịch COVID-19, khi không ghi nhận bất kỳ ca tử vong hay dương tính với virus SARS-CoV-2 nào.