Trong 24 giờ qua, khối ASEAN có ba quốc gia Indonesia, Philippines và Brunei ghi nhận ca tử vong vì virus Corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây bệnh viêm đường hô hấp cấp (COVID-19). Trong ngày, khu vực chỉ có 4 nước ghi nhận các ca mắc mới là Singapre, Indonesia, Philippines và Malaysia.
Virus SARS-CoV-2 đã cướp đi sinh mạng của tổng cộng 3.548 người dân ở khu vực này, tăng 39 trường hợp so với 1 ngày trước đó, trong khi số ca mắc bệnh tăng lên 120.698 ca. Bên cạnh đó, khu vực ASEAN cũng chứng kiến số bệnh nhân được điều trị thành công là 64.950 trường hợp.
Singapore vẫn là quốc gia ASEAN có số ca mắc cao nhất, song Indonesia sắp vượt qua “đảo quốc sư tử” về tổng số ca mắc. Về tổng thể, dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp tại hai nước Indonesia và Philippines.
Trong ngày 16/6, Brunei ghi nhận 1 ca tử vong vì COVID-19 và đây là ca tử vong đầu tiên tại nước này sau nhiều tháng, qua đó nâng tổng số người thiệt mạng vì virus SARS-CoV-2 ở Brunei lên 3 ca.
Ngược lại, 7 nước khác trong khu vực đang kiểm soát tốt địch bệnh và đời sống kinh tế-xã hội bắt đầu trở lại nhịp. Nhiều nước ASEAN đang đẩy nhanh quá trình mở cửa trở lại và khôi phục hoạt động kinh tế xã hội.
Số liệu dịch COVID-19 tại ASEAN tới hết ngày 16/6
Quốc gia |
Tổng số ca mắc |
Ca mắc mới |
Tổng số ca tử vong |
Ca tử vong mới |
Ca phục hồi |
Singapore |
40.969 |
+151 |
26 |
|
31.163 |
Indonesia |
40.400 |
+1.106 |
2.231 |
+33 |
15.703 |
Philippines |
26.781 |
+361 |
1.103 |
+5 |
6.552 |
Malaysia |
8.505 |
+11 |
121 |
|
7.733 |
Thái Lan |
3.135 |
|
58 |
|
2.993 |
Việt Nam |
334 |
|
|
|
325 |
Myanmar |
262 |
|
6 |
|
175 |
Brunei |
141 |
|
3 |
+1 |
1 |
Campuchia |
128 |
|
|
|
125 |
Timor-Leste |
24 |
|
|
|
24 |
Lào |
19 |
|
|
|
19 |
Trong 24 giờ qua, Indonesia đã ghi nhận thêm 1.106 ca mắc COVID-19 và 33 trường hợp tử vong. Hiện tổng số ca mắc COVID-19 ở nước này đã lên tới 40.400 người, trong đó có 2.231 trường hợp tử vong và 15.703 người bình phục.
Bộ trưởng Tài chính Indonesia, bà Sri Mulyani Indrawati, dự báo nền kinh tế nước này sẽ giảm 3,1% trong quý II/2020 - mức tăng trưởng hằng quý thấp nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1998, do ảnh hưởng của dịch COVID-19.
Bộ trưởng Sri Mulyani cho rằng các biện pháp hạn chế xã hội quy mô lớn (PSBB) được triển khai tại nhiều khu vực trong cả nước nhằm ngăn chặn dịch COVID-19, trong đó có thủ đô Jakarta và các thành phố vệ tinh sầm uất thuộc tỉnh Tây Java, đã tác động mạnh tới tăng trưởng kinh tế. Hiện giới chức Indonesia đang theo dõi chặt chẽ các diễn biến của nền kinh tế và sẽ cố gắng giảm thiểu các rủi ro để tình hình không trở nên tồi tệ hơn.
Chính phủ Indonesia tuyên bố sẽ cho phép mở cửa trở lại theo từng giai đoạn đối với các trường học nằm trong khu vực ít rủi ro lây nhiễm dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, hay còn gọi là “vùng xanh”, bắt đầu vào tháng 7 tới.
Ngày 15/6, các Bộ trưởng Giáo dục và Văn hóa, Tôn giáo, Gia đình, và Y tế đã công bố một thông tư liên tịch quy định việc mở lại các trường học trong thời gian diễn ra đại dịch COVID-19.
Tại Singapore, Bộ Y tế Singapore ngày 16/6 thông báo nước này ghi nhận 151 ca mắc bệnh COVID-19 - mức thấp nhất trong ngày kể từ ngày 8/4.
Trong số các ca nhiễm mới có 2 ca lây nhiễm trong cộng đồng, số còn lại sống trong các khu lao động nước ngoài đã được khoanh vùng cách ly. Như vậy, tính đến nay, tổng số ca mắc COVID-19 tại Singapore là 40.969 người, trong đó có 30.366 trường hợp bình phục và 26 ca tử vong.
Các nhà khoa học Singapore thông báo sẽ bắt đầu thử nghiệm trên người vaccine phòng COVID-19, do công ty Arcturus Therapeutics của Mỹ sản xuất, từ tháng 8 tới sau khi các cuộc thử nghiệm trên chuột cho kết quả khả quan.
Trong khi đó, Philippines thông báo ghi nhận thêm 364 người nhiễm virus SARS-CoV-2 và 5 trường hợp tử vong, đưa tổng số ca mắc bệnh và tử vong do COVID-19 tại nước này lần lượt là 26.781 người và 1.103 người.
Cũng trong 24 giờ qua, Malaysia ghi nhận thêm 11 ca mắc COVID-19 và không có ca tử vong trong ngày. Hiện số người mắc COVID-19 ở nước này là 8.505 ca.
Ở Thái Lan, Nội các Thái Lan ngày 16/6 đã thông qua 4 gói cứu trợ dành cho những người bị ảnh hưởng về mặt tài chính do dịch COVID-19 mà chưa được hỗ trợ trong thời gian qua.
Cụ thể, những người được hưởng lợi bao gồm 1.164.222 người có thẻ phúc lợi xã hội chưa được nhận bất kỳ sự hỗ trợ nào của nhà nước trong thời gian bùng phát dịch COVID-19. Mỗi người sẽ được nhận 1.000 baht (32,15 USD) trong vòng 3 tháng từ tháng 5 tới tháng 7 với tổng ngân sách 3,49 tỷ baht.
Nhóm thứ hai là 302.160 người không thể đăng ký hỗ trợ từ trang web “Không ai bị bỏ lại phía sau” với điều kiện chưa nhận được sự hỗ trợ nào của nhà nước trước đây và không phải là lao động theo Điều 33 của Luật An sinh Xã hội. Tổng ngân sách dành cho nhóm này là 906 triệu baht.
Nhóm thứ ba là những người trong tình trạng khó khăn do Bộ Phát triển Xã hội và An ninh Con người lựa chọn. Có 6.781.881 người trong nhóm này chưa nhận được bất kỳ sự hỗ trợ nào của nhà nước trước đây, gồm 1.394.756 trẻ em trong các gia đình nghèo (từ sơ sinh tới 6 tuổi), 4.056.596 người trên 60 tuổi và 1.330.529 người tàn tật.
Mỗi người sẽ được nhận 1.000 baht mỗi tháng trong vòng 3 tháng từ tháng 5 tới tháng 7 với mức ưu tiên trợ cấp dành cho trẻ sơ sinh, người tàn tật và người cao tuổi. Tổng ngân sách dành cho nhóm này là 20,3 tỷ baht.
Nhóm thứ tư là những nông dân có cuộc sống bị ảnh hưởng. Theo thống kê, có 137.093 người khó khăn không tiếp cận được cơ sở hạ tầng nông nghiệp và 120.000 nông dân khác không đăng ký được hỗ trợ của nhà nước. Nội các Thái Lan đã đề nghị Bộ Nông nghiệp và Hợp tác xã đảm bảo những nông dân này có thể đăng ký được vào thời điểm ngày 15/7 tới.
Cùng ngày, Nội các Thái Lan đã thông qua gói kích thích du lịch nội địa trị giá 22,4 tỷ baht (khoảng 720 triệu USD) nhằm hồi sinh ngành "công nghiệp không khói" này, vốn được coi là một trong những động lực tăng trưởng trong những năm gần đây.
Ngày 16/6, Chính phủ Campuchia đã công bố kế hoạch cắt giảm ngân sách năm 2021 xuống còn 4 tỷ USD do những tác động của dịch COVID-19 bùng phát kể từ đầu năm nay.
Mức cắt giảm này tương đương 50% ngân sách năm 2020, trong đó giảm 11,3% chi cho các vấn đề xã hội và 6,4% cho ngân sách quản lý hành chính. Trong năm 2019, Quốc hội Campuchia đã thông qua kế hoạch chi ngân sách 8,2 tỷ USD của chính phủ trong năm 2020, tăng 22% so với năm 2019.
Trong 24 giờ qua, các quốc gia ASEAN khác như Việt Nam, Myanmar, Timor Leste và Lào đều không xuất hiện ca nhiễm mới trong ngày 16/6.