Theo thống kê của trang worldometers.info, tính tới 23 giờ 59 phút ngày 3/5, khu vực Đông Nam Á có tổng cộng 48.616 trường hợp dương tính với virus Corona chủng mới (SARS-CoV-2), tăng 1.431 ca so với 1 ngày trước.
Virus SARS-CoV-2 đã cướp đi sinh mạng của 1.636 người dân ở khu vực này, tăng 21 trường hợp so với một ngày trước đó. Bên cạnh đó, khu vực ASEAN cũng chứng kiến số bệnh nhân được điều trị thành công tăng lên 12.185 trường hợp.
Trong vòng 24 giờ qua, Singapore tiếp tục ghi nhận số ca mắc COVID-19 nhiều nhất khu vực với 657 trường hợp, đồng thời tới nay cũng là nước thành viên ASEAN có tổng số ca COVID-19 cao nhất. Indonesia ghi nhận nhiều ca tử vong vì virus SARS-CoV-2 nhất khu vực trong ngày 3/5, với 14 ca.
Nhìn chung, ở Đông Nam Á, đại dịch COVID-19 đang có xu thế hạ nhiệt và dịch đáng lo ngại hơn tại nhóm 4 quốc gia gồm Singapore, Philippines, Indonesia và Malaysia. Thái Lan đa kiểm soát tốt hơn tình hình và số ca bệnh mới đang giảm dần đều. Trong khi các nước thành viên ASEAN còn lại đang khống chế và ngăn chặn hiệu quả dịch bệnh.
Việt Nam được đánh giá là một điểm sáng về phòng chống đại dịch COVID-19 khi chặn đứng số ca mắc bệnh ở mức 271 trong hai tuần liên tiếp và số ca khỏi bệnh hiện là 219. Ngoài Việt Nam, Campuchia cũng thành công trong cuộc chiến chống COVID-19 khi nước này chỉ có 122 ca mắc bệnh, không ca tử vong và nhiều ngày qua không ghi nhận ca dương tính mới.
Số liệu dịch COVID-19 tại ASEAN tới hết ngày 3/5
Quốc gia |
Tổng ca mắc bệnh |
Ca mắc mới |
Tổng ca tử vong |
Ca tử vong mới |
Ca phục hồi |
Singapore |
18.205 |
+657 |
18 |
+1 |
1.408 |
Indonesia |
11.192 |
+349 |
845 |
+14 |
1.876 |
Philippines |
9.223 |
+295 |
607 |
+4 |
1.214 |
Malaysia |
6.298 |
+122 |
105 |
+2 |
4.413 |
Thailand |
2.969 |
+3 |
54 |
|
2.739 |
Việt Nam |
271 |
+1 |
|
|
219 |
Myanmar |
155 |
+4 |
6 |
|
43 |
Brunei |
1 |
|
1 |
|
128 |
Cambodia |
122 |
|
|
|
120 |
Timor-Leste |
24 |
|
|
|
16 |
Lào |
19 |
|
|
|
9 |
Với 18.205 ca dương tính tính tới hết ngày 3/5, Singapore hiện là quốc gia ASEAN có nhiều người mắc COVID-19 nhất. Phần lớn các ca nhiễm mới là những người lao động nhập cư sống tại các khu nhà ở tập thể.
Trong ngày 3/5, đảo quốc sư tử ghi nhận 1 ca tử vong, nâng tổng số ca tử vong tại nước này lên 18.
Trong khi đó, Indonesia là quốc gia Đông Nam Á có tổng số ca tử vong cao nhất với 845 trường hợp, tăng 14 ca so với một ngày trước đó.
Cùng ngày, Indonesia ghi nhận tổng cộng 11.192 ca sau khi phát hiện thêm 349 ca mới. Hiện đất nước vạn đảo đã tiến hành xét nghiệm virus cho hơn 83.000 người.
Tại Thái Lan, số lượng các ca mắc mới đang có xu hướng giảm mạnh. Ngày 3/5 quốc gia này ghi nhận 3 ca dương tính với virus SARS-CoV-2, mức thấp nhất kể từ ngày 10/3. Đây là ngày thứ 7 liên tiếp Thái Lan ghi nhận các ca mới theo ngày ở mức 1 con số, đồng thời là ngày thứ 3 liên tiếp không ghi nhận thêm ca tử vong. Tính tới ngày 3/5, Thái Lan có tổng cộng 2.969 ca nhiễm, trong đó có 54 ca tử vong, 2.739 bệnh nhân đã phục hồi.
Người dân Thái Lan đang trong đợt nghỉ lễ kéo dài, với 4 ngày nghỉ gần nhau. Nhằm ngăn chặn sự lây lan của đại dịch COVID-19 khi nhiều người di chuyển về quê, chủ yếu là từ thủ đô Bangkok, Bộ Nội vụ Thái Lan đã yêu cầu những người trở về các tỉnh trong dịp này phải tự cách ly trong vòng 14 ngày tại nhà hoặc ở những địa điểm cụ thể. Theo Trung tâm Xử lý Tình hình COVID-19 (CCSA), chỉ riêng trong ngày 1/5, có gần 1 triệu người di chuyển, đa số đang nghỉ việc do dịch bệnh. Trong ngày 2/5, một lượng lớn người lao động đã rời khỏi Phuket để về nhà ở những tỉnh khác. Hòn đảo du lịch nổi tiếng của Thái Lan này là một trong những điểm nóng COVID-19, với 222 ca nhiễm tính đến 3/5.
Mặc dù Sắc lệnh về tình trạng khẩn cấp và lệnh giới nghiêm ban đêm vẫn sẽ có hiệu lực cho tới hết tháng 5, Thái Lan đã bắt đầu nới lỏng một số biện pháp được áp đặt từ hơn một tháng qua. Tại thủ đô Bangkok, địa phương có số lượng bệnh nhân COVID-19 nhiều nhất nước với 1.485 ca, chính quyền thành phố đã ban hành những hướng dẫn về việc thực hiện nới lỏng đối với 10 loại hình kinh doanh và địa điểm từ ngày 3/5, nhưng vẫn kéo dài việc đóng cửa 34 loại địa điểm có nguy cơ cho đến ngày 31/5.
Những địa điểm vẫn chưa được mở cửa trở lại ở Bangkok bao gồm những nơi có đông người như rạp chiếu phim, quán rượu, công viên nước, địa điểm giải trí, bảo tàng, thư viện, nhà trẻ, sàn thi đấu quyền anh Thái, dịch vụ massage, sân vận động, các trung tâm thương mại (trừ khu vực siêu thị và dịch vụ thiết yếu), cơ sở chăm sóc sắc đẹp (trừ cắt tóc)…Mặc dù một số loại hình và địa điểm kinh doanh được mở cửa lại, nhưng các tiêu chuẩn an toàn y tế công cộng vẫn phải được duy trì
Cùng ngày, Bộ Y tế Philippines thông báo 295 ca nhiễm virus SARS-CoV-2, nâng tổng số ca nhiễm tại nước này lên 9.223 ca. Trpng ngày, Philippines cũng ghi nhận 4 ca tử vong, nâng tổng số ca tử vong lên 607 ca, trong khi tổng số ca hồi phục tại nước này hiện là 1.214 người.
Hiện Philippines là nước có số ca tử vong vì dịch COVID-19 nhiều thứ hai ở Đông Nam Á.
Giới chức Philippines cho biết kể từ ngày 3/5, quốc gia này sẽ ngừng tất cả các chuyến bay chở khách đến nước này trong vòng 1 tuần lễ để có thời gian xử lý vấn đề các trung tâm cách ly hiện nay đã chật cứng khi hàng nghìn lao động Philippines hồi hương, trong bối cảnh đại dịch COVID-19 lây lan khắp thế giới
Ngày 3/5, Lào cho biết không có thêm ca dương tính mới nào. Như vậy đã 21 ngày liên tiếp, quốc gia Đông Nam Á này không có thêm ca nhiễm và tổng số ca vẫn dừng lại ở con số 19 ca, trong đó 9 ca đã bình phục.
Trong khi đó, Malaysia thông báo trong vòng 24 giờ qua nước này ghi nhận 122 ca nhiễm mới và 2 ca tử vong, đưa tổng số ca nhiễm và tử vong vì đại dịch COVID-19 lên lần lượt là 6.298 và 105.
Ngày 3/5, các nước thành viên ASEAN khác như Campuchia, Brunei và Timor Leste không ghi nhận bất kỳ ca bệnh mới hay tử vong nào liên quan tới dịch COVID-19.