Hơn 14,19 triệu bệnh nhân đã hồi phục trong khi hơn 6,45 triệu ca vẫn đang được điều trị, khoảng 1% trong số này trong tình trạng nặng hoặc nguy kịch.
Tại châu Á, Trung Quốc đại lục ghi nhận thêm 22 ca mới trong ngày 14/8, trong đó có 14 ca "nhập cảnh" và 8 ca lây nhiễm trong cộng đồng. Có tới 20 ca mới không có triệu chứng, trong đó có 13 ca nhập cảnh. Tính đến hết ngày 14/8, Trung Quốc đại lục ghi nhận tổng cộng 84.808 ca mắc bệnh, trong đó có 4.634 ca tử vong và trong số 635 bệnh nhân đang được điều trị có 36 ca trong tình trạng nặng.
Đặc khu hành chính Hong Kong (Trung Quốc) cũng thông báo thêm 46 ca mắc mới, nâng tổng số ca mắc bệnh tại vùng lãnh thổ này lên 4.406 ca. Trong số các ca mắc mới có 7 ca nhập cảnh và 39 ca lây nhiễm trong cộng đồng, trong đó có 12 ca không rõ nguồn gốc. Tính tới nay, tổng số ca tử vong vì dịch bệnh tại đặc khu này là 67 ca.
Trong khi đó, tại Hàn Quốc, tổng số ca nhiễm tại nước này đã tăng lên 15.039 ca, sau khi ghi nhận thêm 166 ca nhiễm, mức cao nhất từng ghi nhận trong 5 tháng qua. Hàn Quốc đã quyết định áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội nghiêm ngặt hơn ở vùng đô thị Seoul trong vòng 2 tuần tính từ ngày 16/8 do lo ngại tốc độ lây lan dịch bệnh đang tăng nhanh đáng báo động.
Thủ tướng Chung Sye-kyun nhận định tình hình dịch hiện tại đang ở mức độ nguy hiểm và nếu không sớm được kiểm soát, Hàn Quốc có thể sẽ phải đối mặt với tình trạng dịch lan rộng như nhiều quốc gia khác trên thế giới.
Cùng ngày, Nhật Bản thông báo kế hoạch tiếp tục hạn chế số lượng khách tối đa tham gia các buổi hòa nhạc, sự kiện thể thao chuyên nghiệp và các sự kiện khác ở mức 5.000 người, trong bối cảnh dịch bệnh tiếp tục lây lan ở nhiều nơi trên cả nước. Ban đầu, Chính phủ Nhật Bản dự định áp dụng hạn chế trên đến cuối tháng 8, sau khi số người được phép tham gia các sự kiện lớn đã tăng từ mức 1.000 người lên tối đa 5.000 người từ tháng 7.
Tại Đông Nam Á, Bộ Y tế Philippines (DOH) thông báo thêm 4.351 ca mắc mới, nâng tổng số ca bệnh tại quốc gia này lên 157.918 ca. Số ca tử vong vì dịch bệnh tại Philippines là 2.600 ca, cao hơn 159 ca so với một ngày trước. Vùng đô thị Manila vẫn là địa phương ghi nhận số ca mắc mới cao nhất cập nhật trong ngày 15/8, với 2.460 ca. Cũng theo DOH, Philippines đã tiến hành xét nghiệm COVID-19 cho hơn 1,8 triệu người. Để cân bằng giữa ưu tiên chăm sóc sức khỏe và phát triển kinh tế, Philippines hiện triển khai chính sách phong tỏa theo từng khu vực, cộng đồng hoặc tuyến phố để giảm thiểu tác động kinh tế của đại dịch.
Indonesia thông báo tổng số ca mắc bệnh COVID-19 tại quốc gia này tăng lên 137.4 ca, thêm 2.345 ca so với một ngày trước đó. Tổng số ca tử vong vì dịch bệnh tại quốc gia Đông Nam Á này cũng tăng thêm 50 ca trong 24 giờ qua lên mức 6.071 ca.
Do dịch bệnh phức tạp, Indonesia quyết định sẽ tiếp tục đóng cửa đối với du khách nước ngoài cho đến khi có vaccine phòng bệnh. Ngành du lịch của Indonesia có nguy cơ đối mặt với khoản lỗ 4 tỷ USD do lượng khách du lịch nước ngoài giảm mạnh và 60.000 tỷ rupiah (4 tỷ USD) do du khách trong nước ít đi du lịch từ tháng 1 đến tháng 4. Chính phủ Indonesia đang dần dần mở cửa trở lại một số điểm du lịch cho du khách trong nước và chú trọng khôi phục hoạt động du lịch trong nước trước khi mở cửa trở lại cho khách du lịch nước ngoài.
Tại Trung Đông, Iraq ghi nhận 4.293 ca nhiễm mới, mức tăng theo ngày cao nhất kể từ khi dịch bệnh bùng phát tại nước này, nâng tổng số ca bệnh lên 172.583 người. Số ca tử vong cũng tăng thêm 76 người, theo đó tổng số người chết vì COVID-19 tăng lên 5.785 trường hợp.
Giới chức y tế cho rằng nguyên nhân khiến số ca mắc bệnh luôn ở mức tăng trên 4.000 mỗi ngày là do người dân không tuân thủ các biện pháp y tế trong dịp lễ Eid al-Adha, đồng thời kêu gọi các cơ quan liên quan nhanh chóng áp đặt các biện pháp nghiêm ngặt đối với những người vi phạm các chỉ dẫn y tế.
Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh châu Phi (CDC châu Phi) cho biết số ca mắc bệnh tại châu lục này đã tăng lên 1.096.951 người, trong đó có 25.096 ca tử vong và 812.839 ca đã bình phục. Hiện Nam Phi là nước có số ca mắc bệnh và tử vong cao nhất lần lượt là 579.140 người và 11.556 người. Tiếp theo là Ai Cập, Nigeria, Ghana và Maroc. Khu vực miền Nam châu Phi là nơi chịu ảnh hưởng dịch bệnh nặng nề nhất, sau đó là Bắc Phi và Tây Phi.
Tại châu Âu, Đan Mạch tuyên bố từ ngày 22/8 tới, đeo khẩu trang sẽ là quy định bắt buộc khi người dân tham gia phương tiện giao thông công cộng sau khi số ca nhiễm mới tăng vọt. Hồi giữa tháng 4, Đan Mạch trở thành một trong những quốc gia châu Âu đầu tiên nới lỏng lệnh phong tỏa sau khi dịch bệnh dần được kiềm chế. Tuy nhiên, tỷ lệ lây nhiễm lại tăng lên gấp rưỡi trong tuần qua, mức cao nhất kể từ đầu tháng 4. Sự gia tăng trở lại các ca bệnh mới này đồng nghĩa với việc kế hoạch dỡ bỏ giới hạn về quy mô các sự kiện tập trung đông người sẽ bị hoãn lại, và hiện duy trì hạn chế ở mức 100 người.
Hàng nghìn người dân Anh đã buộc phải rút ngắn kỳ nghỉ ở nước ngoài để nhanh chóng về nước trước khi các lệnh cấm mới đối với những người từ các nước châu Âu tới Anh có hiệu lực. Theo quyết định ngày 14/8 của Chính phủ Anh, Pháp và Hà Lan đã bị xóa tên khỏi danh sách miễn cách ly, đồng nghĩa với việc những người từ 2 nước này trở về Anh sẽ phải tự cách ly 14 ngày. Sau thông báo này, hàng nghìn du khách Anh tại Hà Lan và Pháp đã vội vã đặt vé máy bay, vé tàu và phà để có thể trở về nước trước 4h sáng 15/8 (tức 10h sáng cùng ngày giờ Việt Nam). Lý do giới chức London đưa ra là lo ngại làn sóng mới lây nhiễm bệnh COVID-19 tại các nước này.
Tương tự, Áo cũng hối thúc công dân của mình đang nghỉ Croatia nhanh chóng về nước trước khi các biện pháp tăng cường phòng dịch có hiệu lực từ ngày 17/8 tới. Trong khi đó, Serbia cũng đưa yêu cầu kiểm tra y tế đối với những người từ 4 nước láng giềng của mình. Không khả quan hơn, hàng nghìn người Albania với khoảng 4.000 ô tô đang bị tắc ở biên giới Hy Lạp, tạo ra đoàn xe dài tới hơn 20 km tắc nghẽn trong hơn 3 ngày qua.
Bộ Y tế Nga thông báo nước này bắt đầu sản xuất vaccine phòng COVID-19 do Trung tâm Nghiên cứu quốc gia về dịch tễ học và vi sinh vật mang tên Viện sĩ N.F. Gamaley trực thuộc Bộ Y tế Nga phát triển. Nga đã đặt tên vaccine là "Sputnik-V", lấy theo tên vệ tinh nhân tạo đầu tiên trên thế giới được Liên Xô phóng lên quỹ đạo vào năm 1957. Dự kiến, lô vaccine phòng ngừa COVID-19 đầu tiên của Nga sẽ ra mắt vào cuối tháng này. Trước đó, ngày 11/8, Nga đã trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới đăng ký vaccine ngăn ngừa bệnh COVID-19.
Cùng ngày, Nga ghi nhận thêm 5.061 ca nhiễm mới, nâng tổng số người mắc bệnh COVID-19 tại nước này lên 917.884 trường hợp, đứng thứ 4 thế giới về số ca bệnh. Trong khi đó, tổng số ca tử vong tại Nga cũng tăng lên 15.617 người sau khi có thêm 119 người tử vong trong vòng 24 giờ qua.
Quốc gia láng giềng Ukraine cũng ghi nhận thêm 1.847 ca mắc mới, mức tăng theo ngày cao nhất từ trước đến nay. Theo Hội đồng An ninh và Quốc phòng quốc gia Ukraine, tổng số ca mắc bệnh tại nước này hiện tăng lên 89.719 trường hợp bao gồm 2.044 ca tử vong. Số ca nhiễm mới tại Ukraine đã tăng vọt kể từ tháng 6 vừa qua sau khi giới chức nước này nới lỏng một số biện pháp hạn chế, theo đó cho phép các quán cà phê, nhà thờ và phương tiện giao thông công cộng được hoạt động trở lại.