Tình hình dịch COVID-19 cải thiện tại các 'điểm nóng' châu Âu

Ngày 9/6, Cơ quan Bảo vệ Dân sự Italy thông báo nước này ghi nhận thêm 283 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, nâng tổng số ca mắc tại nước này lên 235.561.

Theo phóng viên TTXVN tại Italy, số ca tử vong vì COVID-19 tại nước này cũng tăng thêm 79 ca lên tổng cộng 34.043 ca và số ca bình phục cũng tăng 2.062 ca lên 1.646 ca.

Chú thích ảnh
Khách du lịch thăm quan Đấu trường La Mã ở Rome, Italy trong bối cảnh lệnh phong tỏa do dịch COVID-19 được nới lỏng, ngày 1/6/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Từng là tâm dịch của châu Âu và cũng là quốc gia đầu tiên của châu lục áp dụng biện pháp phong tỏa toàn quốc để ngăn chặn dịch bệnh, khoảng một tuần trước đây, Italy đã nới lỏng hầu hết các biện pháp hạn chế, cho phép người dân di chuyển tự do trên cả nước từ ngày 3/6. Vùng Lombardy giàu có và đông đúc ở phía Bắc Italy, nơi đầu tiên phát hiện dịch bệnh hồi cuối tháng 2, hiện vẫn là địa điểm có số ca bệnh đang được điều trị cao nhất cả nước, với 18.297 ca.

Tuy xu hướng chung đã cải thiện nhiều, nhưng Bộ trưởng Y tế Italy Roberto Speranza vẫn thận trọng lưu ý dịch bệnh chưa được đẩy lùi hoàn toàn đồng thời kêu gọi hợp tác quốc tế trong nghiên cứu thuốc điều trị và vaccine phòng bệnh.

*Tại Tây Ban Nha, giới chức nước này thông báo không có ca tử vong trong ngày 9/6 - đánh dấu ngày thứ 2 liên tiếp quốc gia châu Âu này đón nhận thông tin tích cực. Tính tới ngày 9/6, Tây Ban Nha ghi nhận 241.966 ca mắc COVID-19, trong đó có 27.136 người tử vong.

* Tại Anh, Bộ Y tế và Chăm sóc Xã hội thông báo thêm 286 bệnh nhân mắc COVID-19 tử vong trong ngày 9/6, nâng tổng số người tử vong vì đại dịch này lên 40.883 người.  Trong khi đó, số ca mắc cũng tăng thêm 1.378 ca lên tổng cộng 289.140 ca.

Chủ trì cuộc họp báo hằng ngày, Bộ trưởng Kinh doanh của Anh Alok Sharma cho biết hiện quốc gia này vẫn đang đáp ứng đủ 5 tiêu chí của chính phủ để đảm bảo dỡ bỏ các biện pháp phong tỏa trong khi tỷ lệ lây nhiễm đang được duy trì ở mức dưới 1. Bộ trưởng Sharma xác nhận các cửa hàng bán lẻ có thể mở cửa trở lại từ ngày 15/6, nhưng phải tuân thủ các hướng dẫn an toàn mùa dịch trong khi các hướng dẫn hoạt động an toàn dành cho các nhà hàng, cửa hiệu cắt tóc và làm đầu sẽ sớm được công bố.

Cả Italy, Anh và Tây Ban Nha đều nằm trong số những quốc gia châu Âu chịu tác động nặng nề nhất của dịch bệnh. Các nhà lãnh đạo châu Âu cho rằng do thiếu phối hợp giữa các nước nên nhiều quốc gia rơi vào trạng thái bị động, thiếu trang thiết bị y tế khi dịch bệnh kéo đến.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Đức Angela Merkel ngày 9/6 đã gửi thư kêu gọi Liên minh châu Âu (EU) chuẩn bị tốt hơn cho trường hợp một đại dịch khác xảy ra trong tương lai. Các nhà lãnh đạo Pháp và Đức cho rằng cần có một cách tiếp cận chung trên toàn châu Âu để đương đầu với một đại dịch khác, tránh những phản ứng "lộn xộn" như đã diễn ra trong thời gian qua.

Hải Linh - Lê Ánh (TTXVN)
5 nhân tố giúp New Zealand ‘sạch bóng’ COVID-19
5 nhân tố giúp New Zealand ‘sạch bóng’ COVID-19

Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern mới đây tuyên bố nước này không còn bất kỳ ca nhiễm COVID-19 nào. Vậy điều gì giúp tạo ra thành công cho New Zealand trong cuộc chiến chống đại dịch?

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN