Tính tới rạng sáng 4/4, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) có tổng cộng 11.955 ca nhiễm virus corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, trong đó có 991 ca mới.
Số người thiệt mạng vì dịch bệnh nguy hiểm này đã tăng lên 396, nhiều hơn 48 ca so với một ngày trước đó. Các nước trong khu vực cũng thông báo 2.161 người đã được điều trị thành công và xuất viện.
Diễn biến dịch COVID-19 tại ASEAN tới hết ngày 3/4
Quốc gia |
Tổng số ca nhiễm |
Ca nhiễm mới |
Tổng số ca tử vong |
Ca tử vong mới |
Ca hồi phục |
Malaysia |
3.333 |
+217 |
53 |
+3 |
827 |
Philippines |
3.028 |
+5 |
136 |
+29 |
52 |
Indonesia |
1.986 |
+196 |
181 |
+11 |
134 |
Thái Lan |
1.978 |
+103 |
19 |
+4 |
581 |
Singapore |
1.114 |
+65 |
5 |
+1 |
282 |
Việt Nam |
237 |
+4 |
0 |
0 |
85 |
Brunei |
134 |
+1 |
1 |
|
165 |
Campuchia |
114 |
+4 |
0 |
0 |
35 |
Myanmar |
20 |
0 |
1 |
0 |
0 |
Lào |
10 |
0 |
0 |
0 |
0 |
Timor Leste |
1 |
0 |
0 |
0 |
0 |
Philippines - "điểm nóng" mới ở Đông Nam Á
Ngày 3/4 là ngày Philippines ghi nhận số ca mắc COVID-19 mới kỷ lục, với thêm 5 ca, nâng tổng số ca mắc virus Corona chủng mới (SARS-CoV-2) tại nước này vượt ngưỡng 3.000 trường hợp, lên 3.028 ca.
Con số ca nhiễm mới được dự báo sẽ tiếp tục tăng khi Philippines mới chỉ bắt đầu tập trung vào nỗ lực xét nghiệm. Cùng ngày, nước này cũng ghi nhận 29 ca tử vong, con số cao nhất kể từ khi dịch bùng phát, nâng tổng số trường hợp tử vong lên 136 ca. Trong khi đó, Philippines mới chỉ có 52 ca bình phục.
Các nhà khoa học tại Đại học Philippines dự đoán virus SARS-CoV-2 sẽ lây nhiễm từ 600.000-1,4 triệu người tại Philippines, trong đó 80% bệnh nhân sống tại vùng Thủ đô Manila.
Hiệ tại lệnh cách ly cộng đồng tại Luzon đã bước sang tuần thứ ba. Tuy nhiên chính phủ vẫn chưa quyết định sẽ dỡ bỏ hay tiếp tục phong tỏa, buộc hàng triệu người dân phải ở trong nhà. Chính phủ Philippines đang lên kế hoạch bắt đầu xét nghiệm diện rộng từ ngày 14/4 đối với những người đang nghi ngờ và những người được theo dõi. Hiện tại có 8 trung tâm xét nghiệm COVID-19 trên khắp quần đảo Philippines, 5 trung tâm trên đảo chính Luzon.
Singapore đóng cửa trường học từ 8/4, chuyển sang học trực tuyến
Trước tình hình dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, Chính phủ Singapore đã quyết định đóng cửa các dịch vụ không thiết yếu từ 7/4 và đóng cửa trường học từ ngày 8/4, đồng thời triển khai thêm các biện pháp hạn chế đi lại để ngăn chặn dịch lây lan trong cộng đồng.
Trong bài phát biểu lần thứ 3 về dịch COVID-19, chiều 3/4, Thủ tướng Lý Hiển Long cho biết dù tình hình vẫn nằm trong tầm kiểm soát, tuy nhiên, đảo quốc này sẽ triển khai ngay lập tức một số biện pháp quyết liệt hơn nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan với thời gian áp dụng trong vòng 1 tháng.
Trước hết, các nơi làm việc sẽ phải đóng cửa bắt đầu từ ngày 7/4, trừ một số dịch vụ thiết yếu và các ngành kinh tế chủ chốt. Các siêu thị, trung tâm dịch vụ ăn uống công cộng, bệnh viện, ngân hàng, giao thông công cộng sẽ tiếp tục được duy trì. Các trường học từ tiểu học đến đại học sẽ chuyển sang học trực tuyến tại nhà từ ngày 8/4. Các trường mẫu giáo, trung tâm giữ trẻ sẽ dừng hoạt động. Các trường tư thục cũng sẽ phải đóng cửa hoặc chuyển sang học trực tuyến.
Thủ tướng Lý Hiển Long kêu gọi người dân nên ở nhà càng nhiều càng tốt, chỉ nên ra ngoài nếu thực sự cần thiết, không tụ tập gặp gỡ hay ăn uống bên ngoài. Trong trường hợp phải đi ra ngoài, người dân nên giữ khoảng cách an toàn để tránh lây nhiễm. Người đứng đầu Chính phủ Singapore cũng khẳng định sự cần thiết của việc đeo khẩu trang trong thời điểm hiện nay bởi có nhiều ca nhiễm từ những người chưa biểu hiện bệnh.
Bắt đầu từ ngày 6/4, Singapore sẽ phát thêm khẩu trang có thể sử dụng nhiều lần cho người dân. Bên cạnh đó, Thủ tướng Lý Hiển Long cũng khẳng định nguồn cung lương thực, thực phẩm của Singapore luôn đầy đủ, kêu gọi người dân mua sắm vừa đủ.
Phát biểu tại cuộc họp báo sau bài phát biểu của Thủ tướng Lý Hiển Long, ông Lawrence Wong, Bộ trưởng Phát triển Quốc gia cho biết, xu hướng gia tăng các ca nhiễm không rõ nguồn gốc tại Singapore là hết sức lo ngại, do đó cần phải triển khai ngay các biện pháp quyết liệt. Hiện tại, năng lực y tế của Singapore đủ đáp ứng, tuy nhiên, cần phải ngăn chặn và hạn chế số ca mắc bệnh mới, không để xảy ra tình trạng quá tải. Cũng tại cuộc họp, Bộ Y tế Singapore cho biết số ca mắc COVID-19 mới ghi nhận trong ngày 3/4 là 65 ca, nâng tổng số trường hợp mắc bệnh tại nước này lên 1.114.
Malaysia: Người dân tộc bỏ chạy vào rừng
Ngày 3/4, Bộ Y tế Malaysia thông báo nước này ghi nhận thêm 217 ca nhiễm virus SARS-CoV-2, nâng tổng số ca nhiễm ở nước này lên thành 3.333 người. Như vậy, Malaysia vẫn là quốc gia có số người nhiễm SARS-CoV-2 nhiều nhất khu vực Đông Nam Á. Bộ trên xác nhận thêm 3 ca tử vong do COVID-19 cùng ngày, nâng tổng số người tử vong do dịch bệnh này tại đây lên thành 53 ca.
Trong số các ca nhiễm mới, có tới 58 trường hợp liên quan đến lễ hội tôn giáo lớn diễn ra tại Sri Petaling, Kuala Lumpur vào tháng 2, với khoảng 16.000 người tham dự. Hiện nay giới chức Malaysia đã lấy mẫu xét nghiệm 15.970 người, với 1.465 ca dương tính, 10.213 ca âm tính và 4.292 người vẫn chưa có kết quả xét nghiệm.
Theo tờ Straits Times, lo sợ lây dịch bệnh, người thiểu số ở Malaysia đã bỏ chạy vào rừng. Sau khi dùng gỗ chặn cổng làng, người dân tộc Orang Asli ở Jemeri, bang Pahang đã bỏ chạy vào các khu rừng xung quanh để tránh lây virus. Orang Asli nằm trong số những dân tộc nghèo nhất và dễ tổn thương nhất ở Malaysia. Người dân tộc này đã có ca lây nhiễm virus đầu tiên trong tuần trước.
Indonesia - số ca nhiễm mới cao kỷ lục
Tại Indonesia, ngày 3/4 nước này đã xác nhận thêm 196 ca nhiễm virus SARS-CoV-2. Đây là số ca mới mắc COVID-19 cao nhất trong một ngày tại Indonesia kể từ khi nước này ghi nhận ca đầu tiên cách đây 1 tháng. Theo đó, tổng số ca mắc COVID-19 tại Indonesia đã tăng lên 1.986 ca. Nước này xác nhận thêm 11 ca không qua khỏi, nâng tổng số ca tử vong do COVID-19 lên 181 ca, trong khi đó 134 bệnh nhân đã phục hồi.
Campuchia đóng cửa các cơ sở luyện tập thể thao
Bộ Giáo dục, Thanh niên và Thể thao Campuchia đã yêu cầu các phòng tập thể dục và các trung tâm rèn luyện sức khỏe trên phạm vi cả nước phải tạm thời đóng cửa kể từ ngày 3/4 để phòng tránh dịch COVID-19. Đây được coi là động thái mới nhất của Chính phủ Campuchia nhằm đối phó dịch COVID-19. Kể từ đầu tháng 3/2020 khi dịch bệnh lan rộng, Chính phủ Campuchia đã yêu cầu tạm đóng cửa các trường học, quán bar, rạp chiếu phim và sòng bạc, trong khi người dân được khuyến cáo tránh tụ tập đông người ở khu vực công cộng.
Bộ Y tế Campuchia ngày 3/4vừa công bố thêm 4 trường hợp mới mắc COVID-19, nâng tổng số ca bệnh tại nước này lên 114, trong đó có 35 bệnh nhân đã hồi phục.
Thái Lan xem xét lệnh giới nghiêm hoàn toàn
Thủ tướng Prayut Chan-o-cha đang xem xét các biện pháp quyết liệt hơn, có thể áp đặt lệnh giới nghiêm hoàn toàn, nếu số ca nhiễm virus SARS-Cov-2 và số người tử vong không giảm đi trong 1 tuần tới.
Trước đó, hôm 2/4, Thủ tướng Chan-o-cha đã ban bố lệnh giới nghiêm từ 22h đến 4h, có hiệu lực từ ngày 3/4 cho đến khi có thông báo khác. Để thực hiện lệnh giới nghiêm, hệ thống tàu điện công cộng ở thủ đô Bangkok đã thông báo giờ đóng cửa vào lúc 21h30, trong khi các cơ sở phục vụ sinh hoạt khác cũng đã điều chỉnh giờ đóng cửa cho phù hợp.
Thủ tướng Prayut hiện chưa muốn áp dụng các biện pháp mạnh mẽ, tức là cấm tất cả mọi người rời khỏi nhà vào mọi thời điểm, nhưng quyết định của ông sẽ phụ thuộc vào mức độ hợp tác của công chúng trong việc ở nhà và thực hành giãn cách xã hội.
Tình hình dịch COVID-19 tại Thái Lan vẫn đang diễn biến phức tạp. Ngày 3/4, Thái Lan đã công bố thêm 103 ca nhiễm virus SARS-Cov-2 và 4 trường hợp tử vong, nâng tổng số ca mắc COVID-19 ở nước ngày lên 1.978 và 19 trường hợp tử vong. Đáng chú ý, trong số các ca bệnh và tử vong mới được công bố ngày 3/4, số lượng các ca mắc COVID-19 trong độ tuổi từ 20-29 tuổi tăng mạnh.
Cùng ngày, Phó Thủ tướng Thái Lan Somkid Jatusripitak cho biết gói các biện pháp kinh tế mới mà quốc gia Đông Nam Á này sắp tung ra sẽ chiếm khoảng 10% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) nhằm giảm nhẹ tác động của dịch COVID-19. Gói kích thích kinh tế này đã được thảo luận tại một cuộc họp đặc biệt của nội các và sẽ bao phủ toàn bộ các khu vực kinh tế.
Trong số các quốc gia còn lại, ngày 3/4, Brunei và Campuchia ghi nhận thêm lần lượt 1 và 4 ca nhiễm virus mới, trong khi 3 nước Lào, Myanmar Timor Leste không có thêm ca mắc COVID-19 nào.
Đến hết ngày 3/4, Việt Nam ghi nhận 237 ca nhiễm virus SARS-CoV-2, trong đó có 4 ca nhiễm mới. Nước ta cũng đã điều trị thành công cho 85 bệnh nhân mắc COVID-19. Các bệnh nhân còn lại đang điều trị đa số đều đã ổn định sức khoẻ. Trong đó có 4 bệnh nhân nặng đã tiến triển tốt, 3 bệnh nhân trong số này đã có kết quả âm tính với virus SARS-CoV-2.