Tới 24h đêm 23/3, các nước ASEAN ghi nhận có tổng cộng 4.090 trường hợp nhiễm virus Corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, trong đó có 581 ca nhiễm mới. Các nước khu vực cũng báo cáo có thêm 13 ca tử vong, nâng tổng số bệnh nhân thiệt mạng lên 99.
Tổng hợp số liệu dịch bệnh COVID-19 tại các nước thành viên ASEAN ngày 23/3:
Quốc gia |
Tổng số ca mắc |
Ca bệnh mới |
Tổng số ca tử vong |
Ca tử vong mới |
Ca phục hồi |
Malaysia |
1.518 |
212 |
14 |
4 |
159 |
Thái Lan |
721 |
122 |
2 |
1 |
52 |
Indonesia |
579 |
65 |
49 |
1 |
30 |
Singapore |
509 |
54 |
2 |
0 |
152 |
Philippines |
462 |
82 |
33 |
8 |
18 |
Việt Nam |
123 |
10 |
0 |
0 |
17 |
Brunei |
91 |
3 |
0 |
0 |
2 |
Campuchia |
86 |
2 |
0 |
0 |
2 |
Timor-Leste |
1 |
0 |
0 |
0 |
0 |
Myanmar |
0 |
|
|
|
|
Lào |
0 |
|
|
|
|
Malaysia ngày 23/3 ghi nhận thêm 212 trường hợp nhiễm mới virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, nâng tổng số ca nhiễm lên 1.518 người. Đây là ngày có số người lây nhiễm mới cao kỷ lục tại Malaysia. Theo Bộ Y tế nước này, trong số các ca nhiễm mới có tới 123 người liên quan đến lễ hội tôn giáo có hàng nghìn người tham dự tại thánh đường Sri Petaling ở Kuala Lumpur. Như vậy đến nay số ca mắc COVID-19 liên quan đến sự kiện tôn giáo này đã tăng lên 970 người, chiếm 62%, tổng số ca mắc bệnh. Lễ hội tôn giáo tại Kuala Lumpur diễn ra từ ngày 27/2 đến 1/3, thu hút 16.000 người tham dự và dẫn đến hàng loạt ca lây nhiễm tại nhiều nước láng giềng như Brunei, Singapore và Campuchia.
Ngoài ra, cùng ngày 23/3, có thêm 3 ca tử vong do COVID-19 tại Malaysia, nâng tổng số bệnh nhân tử vong tại nước này lên 14 người. Hiện tại nước này có 57 bệnh nhân nặng đang được chăm sóc đặc biệt, với 27 ca cần máy thở, 159 người đã được xuất viện.
Trước tình hình dịch tiếp tục căng thẳng, Thủ tướng Malaysia Muhyiddin Yassin tuyên bố có thể quyết định kéo dài Mệnh lệnh Kiểm soát Di chuyển (MCO) sau khi mệnh lệnh này kết thúc vào ngày 31/3. Theo ông Muhyiddin, báo cáo từ phía cảnh sát cho thấy, gần 90% người dân đã chấp hành MCO, mệnh lệnh được đưa ra nhằm ngăn chặn sự lây lan của COVID-19 tại nước này. Chính phủ hy vọng trong những ngày tới, con số này sẽ là 100%. Cũng theo Thủ tướng Malaysia, chính phủ nước này đã quyết định bổ sung 600 triệu ringgit (143 triệu USD) để mua trang thiết bị, vật tư y tế và tuyển dụng thêm nhân viên y tế nhằm đối phó với COVID-19.
Tại Indonesia, trong bối cảnh các ca nhiễm và tử vong do dịch COVID-19 tiếp tục tăng, ngày 23/3, Phó Tổng thống Ma'ruf Amin đã kêu gọi các giáo sĩ Hồi giáo ban hành các sắc lệnh tôn giáo (Fatwa) về cách thức hành lễ “đặc biệt”. Phó Tổng thống Ma'ruf - người hiện đang giữ chức Chủ tịch Hội đồng Hồi giáo Ulema Indonesia (MUI) – kêu gọi MUI và các tổ chức Hồi giáo khác ban hành các Fatwa hướng dẫn về việc tắm và nghi lễ tẩy trần (wudhu) cho thi thể người quá cố trong một số trường hợp nhất định.
Ông Ma'ruf cho rằng nếu thiếu chuyên môn y tế và thiết bị phù hợp để xử lý thi thể, Fatwa có thể cho phép chôn cất người quá cố mà không được tắm. Ngoài ra, ông cũng kêu gọi MUI ban hành Fatwa cho phép các nhân viên y tế thực hiện nghi lễ cầu nguyện cho người quá cố mà không cần thực hiện nghi lễ wudhu. Tuần trước, MUI đã ban hành một Fatwa cấm tín đồ Hồi giáo sống trong tại các vùng dịch COVID-19 cử hành nghi lễ cầu nguyện tập thể vào thứ Sáu hằng tuần cũng như các nghi lễ tôn giáo khác trong nhà thờ Hồi giáo.
Tính đến chiều 23/3, Indonesia đã ghi nhận 579 trường hợp nhiễm COVID-19, trong đó có tới 49 ca tử vong. Thủ đô Jakarta ngày 23/3 đã ra lệnh đóng cửa các rạp chiếu phim và nhiều trung tâm giải trí khác để hạn chế tốc độ lây lan của dịch COVID-19. Những biện pháp khẩn cấp này được đưa ra trong bối cảnh một số chuyên gia y tế quan ngại rằng Indonesia chưa thực hiện đủ các biện pháp cần thiết để kiềm chế virus SARS-CoV-2.
Theo người phát ngôn lực lượng cảnh sát quốc gia Indonesia, nước này đã huy động 465.000 cảnh sát trên toàn quốc để giải tán những cuộc tụ tập tại nơi công cộng vì "sự an toàn của công chúng". Bên cạnh đó, theo Tổng thống Joko Widodo, các bác sĩ và nhân viên y tế tại những khu vực tuyên bố tình trạng khẩn cấp do COVID-19 ngoài tiền lương sẽ được thưởng thêm từ 5 triệu tới 15 triệu rupiah (khoảng 800 USD) để đối phó với dịch COVID-19. Ngoài Jakarta, vùng Đông Java của Indonesia đã cũng tuyên bố tình trạng khẩn cấp do dịch bệnh.
Tính đến hết ngày 23/3, Singapore đã có 509 ca nhiễm, trong đó 152 người đã được chữa khỏi và xuất viện, 15 người đang được điều trị tích cực. Ngoài ra, 8.351 trường hợp có tiếp xúc gần với người bệnh và đã thực hiện cách ly, trong đó 5.822 trường hợp đã hoàn thành việc cách ly 14 ngày.
Tại Thái Lan, ngày 23/3, hàng chục nghìn lao động nhập cư từ Lào và Myanmar đã đổ xô tới các trạm xe buýt và các khu vực biên giới nhằm tìm cách trở về nước bất chấp yêu cầu ở lại của giới chức địa phương nhằm ngăn chặn dịch COVID-19 lây lan.
Trong bối cảnh Thái Lan không loại trừ khả năng phong tỏa toàn quốc, rất nhiều lao động nhập cư đã mất việc làm do dịch bệnh bùng phát. Dù Chính phủ Thái Lan hối thúc những đối tượng lao động này không trở về nước, hàng nghìn người lao động Myanmar ngày 23/3 vẫn tập trung chờ mở cửa biên giới phía Bắc để trở về nước trước khi cây cầu hữu nghị Thái Lan - Myanmar đóng cửa. Trong khi đó, 3 trạm xe buýt chính của thủ đô Bangkok cũng ghi nhận hơn 84.000 lượt khách vào cuối tuần qua, đa số những người này di chuyển tới các tỉnh miền Bắc và Đông Bắc giáp giới Lào để về nước.
Số người nhiễm virus SARS-CoV-2 tại Thái Lan đã tăng lên hơn gấp đôi trong cuối tuần qua lên 721 ca, tăng 122 ca trong ngày 23/3. Theo kế hoạch, ngày 23/3, Thái Lan đưa vào hoạt động bệnh viện dã chiến COVID-19 đầu tiên, là một ký túc xá 14 tầng được trang bị 308 giường bệnh.
Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 đang tác động mạnh tới nền kinh tế, Ngân hàng Trung ương Thái Lan đã quyết định bơm 3 tỷ USD nhằm hỗ trợ thị trường tài chính và kích thích kinh tế.
Cùng ngày, Bộ Y tế Singapore cho biết đã ghi nhận thêm 54 ca nhiễm virus SARS-CoV-2, trong đó có 48 ca từ nước ngoài vào. Đây là số ca nhiễm cao nhất trong một ngày tại "Đảo quốc sư tử" cho đến nay. Hầu hết số ca nhiễm mới đều là người Singapore và người có thẻ cư trú dài hạn tại nước này từ châu Âu, Bắc Mỹ và các nước Đông Nam Á trở về.
Trong khi đó, tại Myanmar, truyền thông nước này cùng ngày đưa tin Bộ Y tế và Thể thao Myanmar (MOHS) đã yêu cầu các lao động di cư từ Thái Lan tự cách ly do nước này không có đủ cơ sở hạ tầng để cách ly nhiều người cùng một lúc. Theo người đứng đầu bộ trên Myint Htwe, những lao động trên sẽ phải ở nhà trong 14 ngày để ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19 trong cộng đồng và trong thời gian này, họ sẽ phải báo cáo hằng ngày với các trung tâm y tế về tình hình sức khỏe.
Tại Philippines, ngày 23/3 nước này ghi nhận có thêm 82 ca mắc bệnh và 8 bệnh nhân tử vong, nâng tổng số ca mắc COVID-19 lên 462 ca và 33 ca tử vong. Lào và Myanmar là 2 quốc gia ở Đông Nam Á chưa ghi nhận ca mắc COVID-19 nào, trong khi đó, Timor-Lester mới có 1 ca nhiễm bệnh.
Đến cuối ngày 23/3, Việt Nam đã ghi nhận 123 trường hợp mắc COVID-19, trong đó 17 trường hợp đã điều trị khỏi. Trong số 17 trường hợp đã khỏi bệnh có 16 trường hợp đã ra viện, 1 trường hợp là bệnh nhân thứ 18 đã 3 lần xét nghiệm âm tính, không còn ho, sốt, hoàn toàn khỏe mạnh và đã được chuyển từ Bệnh viện đa khoa Ninh Bình sang Bệnh viện đa khoa Thái Bình theo dõi sức khỏe. Các bệnh nhân còn lại hiện đang được cách ly, điều trị tại 11 cơ sở y tế trong cả nước.