Hơn 226,676 triệu bệnh nhân COVID-19 đã phục hồi trong khi vẫn còn hơn 18,67 triệu ca vẫn đang được điều trị.
Tại Đông Nam Á, Bộ Y tế Lào cho biết trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận 1.076 ca mắc mới COVID-19 và 1 ca tử vong. Như vậy, đến nay, tổng số ca mắc COVID-19 tại Lào là 47.056 ca, trong đó có 82 người tử vong.
Sau 2 ngày giảm xuống mức 3 con số thì Lào lại ghi nhận số ca mới tăng lên 4 con số (tăng 116 ca so với số liệu ngày 6/11), trong đó có tới 1.071 ca cộng đồng, còn lại là các trường hợp nhập cảnh được cách ly ngay. Đáng chú ý, số ca cộng đồng tại thủ đô Viêng Chăn cũng gia tăng với 540 ca, tăng 91 ca so với một ngày trước. Ngoài ra, tình hình dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp tại nhiều tỉnh khác như Luang Prabang, Viêng Chăn, Luang Namtha...
Trước tình hình trên, Chính phủ Lào giao các bộ, cơ quan tương đương, doanh nghiệp tại thủ đô Viêng Chăn và các tỉnh có dịch lây nhiễm trong cộng đồng tiếp tục cho phép cán bộ và công chức luân phiên trực ban hoặc làm việc từ xa. Những người có nguy cơ và phụ nữ có thai không thể tiêm vaccine được cho làm việc ở nhà. Bên cạnh đó, Ủy ban chuyên trách về phòng ngừa COVID-19 của Lào tiếp tục kêu gọi người dân, đặc biệt là người cao tuổi và người có bệnh nền khẩn trương đến các cơ sở y tế để được tiêm vaccine ngừa COVID-19.
Malaysia ghi nhận 4.343 ca mắc COVID-19 mới, đánh dấu mức thấp nhất trong 175 ngày tính từ ngày 16/5. Như vậy tính tới nay, tổng số ca mắc COVID-19 ở nước này là 2.506.309 ca. Theo các chuyên gia, kết quả đáng khích lệ trong công tác kiểm soát dịch bệnh tại Malaysia có phần đóng góp rất lớn từ Chương trình Tiêm chủng quốc gia ngừa COVID-19.
Tính tới hết ngày 6/11, tại Malaysia đã có 97,8% người trưởng thành tiêm ít nhất 1 mũi, trong đó 95,8% hoàn thành tiêm chủng. Đối với lứa tuổi từ 12-17 có 83,4% tiêm ít nhất 1 mũi, trong đó 70,2% hoàn thành tiêm chủng. Tính chung đã có 78,1% dân số Malaysia tiêm ít nhất 1 mũi và 75,4% hoàn thành tiêm chủng. Bộ trưởng Bộ y tế Malaysia Khairy Jamuluddin ngày 7/11 cho biết nước này chấp nhận du khách nhập cảnh tiêm vaccine ngừa COVID-19 do Ấn Độ sản xuất có tên gọi là Covaxin. Bên cạnh đó, quan chức này cũng nói thêm Malaysia không sử dụng vaccine của Ấn Độ vì nguồn cung về các loại vaccine khác đã đủ.
Ngoài ra, Bộ Y tế Malaysia cho biết đã phát hiện 2 ca đầu tiên nhiễm biến thể phụ AY.4.2, hay còn gọi là Delta Plus, của virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19. Đây là các du học sinh Malaysia trở về từ Anh từ ngày 2/10 vừa qua và được cách ly ngay sau khi đến sân bay quốc tế Kuala Lumpur. Vaccine ngừa COVID-19 đang được sử dụng hiện nay vẫn có hiệu quả trước biến thể AY.4.2 và các biện pháp phòng dịch như cách ly, xét nghiệm... có thể giúp giảm nguy cơ lây lan biến thể này tại Malaysia, đặc biệt là tại các cửa ngõ quốc tế của nước này. Bộ Y tế Malaysia sẽ theo dõi chặt chẽ biến thể này trong cộng đồng. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết đang theo dõi chặt chẽ biến thể AY.4.2 nhằm đánh giá liệu mức độ lây nhiễm của biến thể này có cao hơn so với chủng ban đầu hay không. Hiện biến thể phụ này đã được phát hiện ở hơn 40 quốc gia trên thế giới, trong đó có Anh.
Tại châu Âu, Đức tiếp tục ghi nhận số ca lây nhiễm mới ở mức cao và chỉ số lây nhiễm hầu như đều tăng tại các bang trên cả nước. Tại bang Bayern trong 24 giờ qua ghi nhận có tới trên 9.400 ca nhiễm mới, chiếm gần 1/3 tổng số ca nhiễm mới trên cả nước trong ngày (30.972 ca nhiễm và 109 ca tử vong) và đây là mức cao nhất ở Bayern từ đầu đại dịch.
Ngày 6/11 là lần đầu tiên số ca mắc mới vượt quá 30.000 ca trong 3 ngày liên tiếp. Chỉ số lây nhiễm tại hai bang Brandenburg và Sachsen trong ngày cũng tăng mạnh, trong đó chỉ số trung bình 7 ngày/100.000 dân ở Sachsen đạt mức cao nhất nước Đức, với 416. Tỷ lệ lây nhiễm (giá trị R) trong 7 ngày ở mức 1,18, có nghĩa 100 người nhiễm sẽ lây cho 118 người khác. Hiện trên cả nước Đức đang có 2.449 bệnh nhân COVID-19 phải điều trị tích cực, trong đó có phân nửa phải thở máy xâm lấn.
Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 tiếp tục bùng phát mạnh, 2 tổ chức công đoàn của cảnh sát Đức gồm GdP và DPolG đã đề nghị cấm đốt pháo hoa trong dịp đón Năm mới như năm 2020 nhằm hạn chế số ca mắc mới trong làn sóng lây nhiễm thứ 4 hiện nay. Ngoài vấn đề đốt pháo hoa trong đêm Giao thừa vốn sẽ có rất đông người tập trung thưởng lãm và đón khoảng khắc đầu tiên của năm mới, việc mở các chợ Noel cũng đang là vấn đề gây tranh luận và được áp dụng không đồng nhất tại các địa phương ở Đức.
Bộ trưởng Y tế liên bang Đức Jens Spahn đã kêu gọi đẩy mạnh tiêm chủng tăng cường cho tất cả người dân đã tiêm mũi thứ hai trước đó ít nhất 6 tháng nhằm giảm số ca lây nhiễm cũng như tử vong, nhất là ở người cao tuổi. Số ca nhiễm mới tăng lên cũng kéo theo số ca nhập viện và tử vong tiếp tục gia tăng, trong đó phần lớn là người cao tuổi vốn có nguy cơ cao hơn và thường có bệnh nền. Một trong những lý do giải thích cho điều này là hiện vẫn còn khoảng 3,5 triệu người trên 60 tuổi chưa tiêm chủng, trong khi số trường hợp đã tiêm đủ song vẫn tái mắc cũng gia tăng (cho tới nay Đức đã ghi nhận có 145.185 ca, chiếm 0,26% tổng số người đã tiêm đủ).
Các nhà khoa học trên thế giới đang chạy đua để phát triển các loại vaccine ngừa COVID-19 có khả năng bảo vệ con người trước tất cả các biến thể virus SARS-CoV-2 có thể xuất hiện trong tương lai. Các nhà khoa học lo ngại rằng các loại vaccine lưu hành hiện nay ít có khả năng bảo vệ chống lại các biến thể mới của virus SARS-CoV-2 và có thể đưa thế giới trở lại "vạch xuất phát" trong cuộc chiến chống dịch COVID-19.
Trước quan ngại đó, Liên minh Đổi mới sáng tạo và Sẵn sàng ứng phó dịch bệnh (CEPI) đã cấp kinh phí hỗ trợ hai dự án phát triển vaccine. Cụ thể, công ty MigVax của Israel được cấp 3,2 triệu bảng Anh để phát triển một loại vaccine dạng viên uống có tên MigVax-101, được sử dụng như mũi tăng cường cho người đã tiêm đủ liều. Trong khi đó, Đại học Saskatchewan ở Canada cũng được cấp 3,7 triệu bảng Anh cho dự án vaccine của mình. Vương quốc Anh đã đóng góp 260 triệu bảng Anh cho hoạt động của CEPI.