Theo trang thống kê worldometers.info, ba quốc gia Đông Nam Á có nhiều người nhiễm virus SARS-CoV-2 nhất lần lượt là Singapore (12.693 ca), Indonesia (8.607 ca) và Philippines (7.294 ca).
Lào và Timor-Leste có số ca mắc COVID-19 thấp nhất, lần lượt là 19 và 24. Các nước như Việt Nam, Myanmar, Campuchia và Brunei có số ca mắc COVID-19 dưới 300.
Về số ca tử vong, Indonesia và Philippines ghi nhận nhiều ca nhất, lần lượt là 720 và 494. Các nước còn lại đều có số ca tử vong dưới 100. Tại Đông Nam Á, Việt Nam, Lào, Campuchia và Timor-Leste chưa ghi nhận ca tử vong nào tính tới nay.
Biểu đồ so sánh ca mắc và ca tử vong ở Đông Nam Á (số liệu ngày 25/4):
Tại Singapore, ngày 25/4, Bộ Y tế Singapore cho biết, quốc gia Đông Nam Á này đã ghi nhận thêm 618 ca mắc COVID-19, nâng tổng số trường hợp nhiễm virus SARS-CoV-2 ở quốc đảo này lên 12.693 người.
Theo tuyên bố của bộ trên, phần lớn trong số những ca dương tính với virus SARS-CoV-2 mới được phát hiện là các công nhân nhập cư sống trong các khu nhà tập thể.
Ngoài ra, còn có 7 ca bệnh mới là những cư dân thường trú ở Singapore. Với dân số 5,7 triệu dân, Singapore là một trong những nước có tỷ lệ mắc COVID-19 cao nhất châu Á.
Thái Lan đã có số ca lây nhiễm virus SARS-CoV-2 gia tăng trở lại trong vòng 24h qua, với 53 ca mới được xác nhận trong ngày 25/4, nâng tổng số bệnh nhân mắc COVID-19 lên 2.907 người. Trong số các ca lây nhiễm mới được ghi nhận có 42 lao động nhập cư ở Songkhla. Thái Lan cũng xác nhận thêm một bệnh nhân COVID-19 thiệt mạng, nâng tổng số ca tử vong lên 51 người.
Trước đó, trong khoảng hai tuần, số lượng các ca mắc mới COVID-19 ghi nhận theo ngày ở Thái Lan đã giảm từ 54 ca hôm 9/4 xuống 13 ca trong ngày 23/4 và 15 ca trong ngày 24/4. Ngày có số ca nhiễm mới virus SARS-CoV-2 được ghi nhận cao nhất là hôm 22/3 với 188 trường hợp.
Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha cho biết vẫn sẽ có những mối đe doạ từ bên ngoài và dịch bệnh có thể bùng phát trở lại nếu không cảnh giác. Thủ tướng Prayut khẳng định ưu tiên lớn nhất hiện nay của chính phủ là sức khỏe của người dân và tiếp đến là sinh kế, thu nhập. Ông một lần nữa khuyến cáo người dân tiếp tục tuân thủ các biện pháp kiểm soát dịch bệnh, bao gồm cả việc giãn cách xã hội và không nên chủ quan trước tình hình.
Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Y tế Thái Lan Anuthin Charnvirakul cho biết ông đã chuyển để xuất lên Thủ tướng về các công việc sau khi Sắc lệnh tình trạng khẩn cấp hết hiệu lực vào ngày 30/4. Ông nhấn mạnh, điều quan trọng là phải đưa xã hội dần trở lại bình thường, song Thủ tướng mới là người đưa ra quyết định có nên duy trì lệnh tình trạng khẩn cấp hay không.
Theo Người phát ngôn Trung tâm Quản lý Tình hình COVID-19 Taweesilp Visanyothin, Thái Lan cần đề phòng làn sóng thứ hai của dịch bệnh và nếu điều này xảy ra thì có thể sẽ gây quá tải nghiêm trọng cho hệ thống y tế. Theo ước tính tại Thái Lan, chi phí điều trị cho mỗi bệnh nhân mắc COVID-19 vào khoảng 30.000 USD.
Tại Philippines, Bộ Y tế nước này xác nhận thêm 17 ca tử vong và 102 ca mắc. Như vậy, đến hết ngày 25/4, Philippines ghi nhận tổng cộng 7.294 ca mắc, trong đó có 494 người tử vong. Thêm 30 ca bình phục và xuất viện, nâng tổng số bệnh nhân được điều trị khỏi bệnh tại Philippines lên 792 người.
Theo Thứ trưởng Y tế Maria Rosario Vergeire, số nhân viên y tế mắc COVID-19 ở Philippines đã lên đến 1.101 người. Phát biểu trong một cuộc họp báo trực tuyến ngày 25/4, bà Vergeire cho biết trong số các nhân viên y tế nhiễm virus SARS-CoV-2 có 434 bác sĩ, 400 y tá, 55 trợ lý điều dưỡng, 32 kỹ thuật viên y tế, và 21 kỹ thuật viên X-quang. Cũng theo bà Vergeire, 26 nhân viên y tế đã thiệt mạng vì COVID-19, gồm 20 bác sĩ và 6 y tá.
Chính phủ Philippines đang thuê khẩn cấp các bác sĩ, y tá, kỹ thuật viên y tế và những nhân viên hỗ trợ y tế khác nhằm tăng cường cho đội ngũ y tế tuyến đầu hiện nay trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19.
Tại Malaysia, nhà chức trách thông báo thêm 51 ca mắc và 2 ca tử vong. Theo đó, tổng số ca mắc được xác nhận ở quốc gia Đông Nam Á này hiện là 5.742 ca, trong đó 98 người tử vong, 3.762 bệnh nhân đã bình phục và 36 người đang bệnh nặng.
Tại Indonesia, ngày 25/4, người phát ngôn Bộ Y tế Indonesia - ông Achmad Yurianto - đã thông báo về 396 ca mắc COVID-19 mới, nâng tổng số trường hợp nhiễm virus SARS-CoV-2 ở quốc gia Đông Nam Á này lên 8.607 người. Số liệu chính thức cũng cho thấy Indonesia cùng ngày đã ghi nhận thêm 31 ca tử vong do virus SARS-CoV-2, nâng tổng số bệnh nhân COVID-19 thiệt mạng ở nước này lên 720 người.
Trước đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 24/4 cho biết Washington sẽ cung cấp máy trợ thở và hỗ trợ Indonesia theo đề nghị của người đồng cấp Joko Widodo. Tuyên bố của Phủ Tổng thống Indonesia cho hay, hai nhà lãnh đạo hôm 24/4 đã điện đàm để thảo luận về các biện pháp hợp tác trong đại dịch COVID-19, trong đó có cách thức vượt qua tình trạng thiếu hụt trang thiết bị bảo hộ và khẩu trang ở cả hai nước. Theo tuyên bố trên, ông Trump đã nhất trí “tăng cường quan hệ đối tác trong lĩnh vực thương mại và kinh tế” giữa Mỹ và Indonesia sau khi phục hồi từ đại dịch COVID-19.