Fed đã nâng lãi suất lên mức cao nhất trong 23 năm là 5,25-5,5% để đưa lạm phát về mức mục tiêu dài hạn là 2%, với ít tác động đến thị trường việc làm nhất có thể.
Trong khi đã giảm đáng kể kể từ khi đạt đỉnh vào năm 2022, lạm phát giá tiêu dùng tại Mỹ tăng trong những tháng gần đây, khiến thị trường tiếp tục đưa ra dự báo về thời điểm Fed sẽ hạ lãi suất, dù các dấu hiệu khác cho thấy tăng trưởng kinh tế của Mỹ vẫn vững.
Theo ông Barkin, các số liệu về lạm phát tăng trong ba tháng qua dù không cao như một, hai năm trước nhưng đã không hỗ trợ quyết định hạ lãi suất của Fed.
Ông Barkin là một trong số 12 thành viên Hội đồng mở Liên bang (FOMC), bộ phận hoạch định chính sách của Fed. Những phát biểu của ông sẽ được các nhà giao dịch theo dõi sát để dự báo về diễn biến chính sách tại Mỹ.
Tại cuộc họp gần đây nhất vào tháng 3/2024, các nhà hoạch định chính sách của Fed đã nhắc tới khả năng hạ lãi suất ba lần trong năm 2024.
Tuy nhiên, các số liệu mới sau đó đã gây lo ngại lạm phát đang tăng lên, khiến các nhà giao dịch điều chỉnh hoặc chưa đưa ra các dự báo về lãi suất.
Tại cuộc họp vào tháng 3/2024, các thành viên FOMC cũng dự báo lạm phát sẽ chưa đạt mức mục tiêu trước năm 2026 và lãi suất sẽ tăng nhẹ trong thời gian dài hơn so với dự kiến.
Hiện các nhà giao dịch nhận định nhiều khả năng Fed sẽ hạ lãi suất lần đầu tiên vào tháng 9/2024.
Các quan chức Fed cho biết họ không vội hạ lãi suất, khi lạm phát vẫn quá cao.
Chủ tịch Fed tại New York John Williams cho rằng Fed chưa cần thiết phải sớm điều chỉnh chính sách tiền tệ.
Ông có phát biểu trên một ngày sau khi số liệu về lạm phát giá tiêu dùng mạnh đã khiến các nhà giao dịch và một số nhà phân tích dự báo lùi thời điểm Fed bắt đầu hạ lãi suất và có thể giảm số lần hạ.
Chủ tịch Fed tại Boston Susan Collins nhận định số liệu gần đây cho thấy có thể cần thêm thời gian để tin tưởng hơn vào tiến triển của lạm phát trước khi bắt đầu hạ lãi suất, trong khi thị trường việc làm mạnh cũng làm giảm mức độ cấp thiết của việc nới lỏng chính sách.
Hai quan chức trên nằm trong số những người có quan điểm thận trọng trước việc hành động quá nhanh trong vấn đề lãi suất, khi lạm phát đang trong quá trình tiến tới mức mục tiêu.
Ở châu Âu, khi thị trường việc làm bắt đầu nới lỏng và tăng trưởng đình trệ, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã giữ nguyên lãi suất tại cuộc họp vào ngày 11/4, nhưng để ngỏ khả năng nới lỏng chính sách tiền tệ sớm nhất là vào tháng Sáu tới.
Theo các nguồn tin, ECB có thể lùi lại sau tháng 6 để chờ sự rõ ràng hơn từ Fed về các quyết định lãi suất.
Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế Kristalina Georgieva cho rằng lãi suất tại Mỹ cao sẽ không phải là điều được mong đợi, vì điều này sẽ khiến Mỹ thu hút các dòng vốn trên toàn cầu.