Theo EC, tổng mức thâm hụt ngân sách của Eurozone đã giảm xuống 1,5% GDP trong năm 2016 và sẽ giảm thêm nữa trong năm nay và năm tới, xuống thấp hơn nhiều so với mức trần mà EU đặt ra là 3% GDP.
Nhờ tình hình tài chính công của Bồ Đào Nha cải thiện, EC muốn dừng quy trình kỷ luật đối với nước này, điều sẽ cần được các bộ trưởng tài chính EU ủng hộ. EC cho biết, thâm hụt ngân sách của Bồ Đào Nha đã giảm xuống mức 2% GDP vào năm 2016.
Trong khi đó, Pháp, nền kinh tế lớn thứ hai Eurozone, vẫn thâm hụt ngân sách vượt mức trần. Mức thâm hụt ở nước này vào năm ngoái là 3,4% GDP và được dự báo sẽ giảm trong năm 2017, nhưng sẽ tăng trở lại vượt trần vào năm 2018, trừ phi Tân Tổng thống Emmanuel Macron thông qua các cải cách kinh tế mới trong những tháng tới.
Tây Ban Nha cũng trong tình trạng tương tự, khi thâm hụt ngân sách 4,5% GDP trong năm 2016, một trong những mức cao nhất ở EU.
Còn với Italy, tổng nợ của nước này tương đương 133% GDP, cao thứ hai trong khối, sau Hy Lạp, vượt xa mức trần nợ 60% GDP theo quy định. EC cho rằng các biện pháp ngân sách bổ sung mà nước này thông qua hồi tháng Tư là đủ để Italy tuân thủ các quy định của khối trong năm nay.