Mở đầu bài viết, tác giả bài báo khẳng định: Bằng bản "Tuyên ngôn độc lập" mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc ngày 2/9/1945, Việt Nam đã giải phóng mình khỏi sự áp bức kéo dài nhiều năm của thực dân Pháp và phát xít Nhật. Trong giai đoạn lịch sử tiếp sau đó, bất chấp mọi khó khăn như đói nghèo, chiến tranh, đất nước Việt Nam vẫn đi đúng con đường của mình và đạt được thành công rực rỡ nhờ khả năng thích ứng với hoàn cảnh.
Bài báo cũng điểm lại những thành công của Việt Nam trong cuộc chiến chống lại giặc đói, giặc dốt và giặc ngoại xâm. Vào năm 1945, do cần phải dồn lực cho chiến tranh, phát xít Nhật buộc nông dân Việt Nam phải nhổ lúa để trồng bông làm quân phục và gửi ra mặt trận tất cả lương thực còn sót lại. Điều này đã dẫn đến nạn đói khủng khiếp năm 1945, cướp đi sinh mạng của hơn 2 triệu người dân Việt Nam.
Tuy nhiên, chỉ hai tháng sau khi tuyên bố độc lập, Việt Nam đã có các cánh đồng lúa xanh mướt ở nông thôn; ở các thành phố, ngay cả rìa vỉa hè và khoảng trống giữa các tảng đá cũng trở thành những luống vườn để trồng dưa chuột, bí ngô, bí xanh và các loại rau khác.
Một chiến dịch đoàn kết lớn trong toàn dân được Chính phủ Lâm thời phát động, trong đó mỗi gia đình được kêu gọi quyên góp lương thực. Chỉ sau 6 tháng, nạn đói đã được đẩy lùi. Trong cuộc đấu tranh chống nạn mù chữ ở thời điểm mà khoảng 90% dân số Việt Nam không biết đọc và biết viết, một chiến dịch xóa mù đã được lan tỏa đến từng làng, từng thôn, và chỉ sau vài tháng, 23 triệu người đã biết đọc và viết ở một mức độ nào đó, các trường học dành cho người dân bình thường được mở, rồi sau đó các trường đại học cũng xuất hiện.
Đối với cuộc chiến chống giặc ngoại xâm, bài báo khẳng định đây là cuộc đấu tranh lâu dài và cam go trước khi Việt Nam có thể giành được độc lập trên chiến trường. Ngay từ năm 1946, Pháp đã cố gắng chiếm lại thuộc địa cũ của mình bằng mọi biện pháp quân sự. Với Chiến dịch Điện Biên Phủ, Việt Nam đã giành được thắng lợi quyết định năm 1954. Chế độ cai trị thuộc địa cũ đã bị xóa bỏ, nhưng đất nước vẫn bị chia cắt. Ở miền Bắc có nước Việt Nam tự do, Xã hội Chủ nghĩa, ở miền Nam có chính quyền bù nhìn của đế quốc với quân đội Mỹ. Phải đến năm 1975, miền Nam mới được giải phóng và thống nhất đất nước.
Sau khi hòa bình lập lại và đất nước thống nhất, tác giả Marius Kach nhận định rằng, sự thất bại quân sự của chủ nghĩa đế quốc dẫn đến một cuộc chiến thương mại và sự cô lập về chính trị chống lại Việt Nam. Sau một thế kỷ áp bức, 30 năm chiến tranh và sự sụp đổ của khối xã hội chủ nghĩa, nhiệm vụ khó khăn, to lớn của Việt Nam là phải xây dựng lại đất nước, phát triển kinh tế, hội nhập ngoại giao quốc tế, thúc đẩy thương mại. Đây chính là cách mà cuộc cải cách “Đổi Mới” diễn ra vào năm 1986, là một sự thích ứng sáng tạo với tình hình mới mà Việt Nam vẫn đang tồn tại cho đến ngày nay.
Bước nhảy vọt hướng tới hội nhập cộng đồng toàn cầu được thực hiện thông qua hội nhập quốc tế và ngoại giao đa phương. Việt Nam chuyển từ mô hình cổ điển của nền kinh tế kế hoạch tập trung, sang nền kinh tế phi tập trung dựa trên thị trường, dưới sự lãnh đạo của Nhà nước Xã hội Chủ nghĩa. Kể từ đó, nền kinh tế Việt Nam đang trong giai đoạn chuyển đổi, không phải là nền kinh tế thị trường tư bản chủ nghĩa cũng như chưa phải là nền kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa hoàn toàn.
Theo tờ báo của Thụy Sĩ, Việt Nam đã 78 năm đi trên con đường đi lên chủ nghĩa xã hội và bất chấp mọi khó khăn, vẫn tiếp tục đạt được những thành tựu mới như ngày hôm nay.
Từ một nước nửa thuộc địa, nửa phong kiến phát triển thành một nước độc lập, tự do và định hướng Xã hội Chủ nghĩa. Năm 2004, các biện pháp trừng phạt kinh tế đã được khắc phục và quá trình hội nhập thương mại thế giới đang tiến triển; tỷ lệ nghèo đói từ 79,7% dân số (1993) giảm xuống còn 5% vào năm 2020 và vẫn tiếp tục giảm.
Với những phân tích của mình, tác giả Marius Kach tin rằng, nếu Việt Nam kiên định con đường đã chọn như hiện nay, thì đến năm 2045 sẽ trở thành nước công nghiệp phát triển, có thu nhập cao, định hướng xã hội chủ nghĩa.