Thay mặt cho Nihon Hidankyo, đồng Chủ tịch, ông Terumi Tanaka cùng một số đại diện của tổ chức đã có bài phát biểu khi lên nhận giải. Ông Tanaka nhấn mạnh để phổ cập Hiệp ước Cấm vũ khí hạt nhân, các quốc gia cần tạo cơ hội lắng nghe lời chứng thực của những người sống sót sau các vụ ném bom nguyên tử tại Hiroshima và Nagasaki (hibakusha).
Ông Tanaka chia sẻ: “Tôi hy vọng các công dân ở những quốc gia và đồng minh sở hữu vũ khí hạt nhân sẽ giữ vững niềm tin rằng vũ khí hạt nhân không thể và không được phép tồn tại cùng với con người và điều này sẽ trở thành lực đẩy thay đổi chính sách hạt nhân của các chính phủ”.
Cũng trong bài phát biểu, ông Tanaka nêu bật lịch sử và hoạt động của Nihon Hidankyo nhằm hướng đến một thế giới không có vũ khí hạt nhân, đồng thời chia sẻ trải nghiệm đau thương của ông lúc 13 tuổi đã chứng kiến các nạn nhân trong vụ ném bom nguyên tử xuống Nagasaki. Từ đó, ông nhấn mạnh sự tàn sát và gây thương tật không bao giờ được phép xảy ra trong bất cứ hoàn cảnh nào. Những hibakusha mong muốn cộng đồng quốc tế sẽ không cho phép sở hữu vũ khí hạt nhân.
Ngày 11/10 vừa qua, Ủy ban Nobel Na Uy đã công bố giải Nobel Hòa bình 2024 thuộc về tổ chức Nihon Hidankyo vì những nỗ lực hướng tới một thế giới không có vũ khí hạt nhân và chứng minh qua các nhân chứng rằng vũ khí hạt nhân không nên được sử dụng nữa.
Nihon Hidankyo, do những hibakusha thành lập vào năm 1956, tức là 11 năm sau thảm kịch đau thương ở Hiroshima và Nagasaki. Trong năm hoạt động, Nihon Hidankyo nỗ lực kêu gọi thế giới xóa bỏ vũ khí hạt nhân và vận động đất nước hỗ trợ các Hibakusha.
Trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, Nihon Hidankyo đã ba lần cử các phái đoàn đến những cuộc họp của Đại hội đồng Liên hợp quốc (LHQ) về giải trừ quân bị, tại đó những nạn nhân sống sót sau vụ ném bom nguyên tử đã kêu gọi "Không còn Hibakusha nữa" dựa trên kinh nghiệm đau thương của chính họ và thúc giục xóa bỏ vũ khí hạt nhân.
Cùng với đó, tổ chức này duy trì hoạt động đều đặn, tổ chức các cuộc triển lãm ảnh về bom nguyên tử tại LHQ và trên toàn thế giới. Tại hội nghị đàm phán về Hiệp ước Cấm vũ khí hạt nhân, trong đó cấm việc phát triển và sở hữu vũ khí hạt nhân, tổ chức này đã đóng vai trò trung tâm trong việc thu thập khoảng 3 triệu chữ ký và ủng hộ việc thông qua hiệp ước. Sau đó, tổ chức này tiếp tục chiến dịch "Chữ ký Hibakusha quốc tế", kêu gọi tất cả các quốc gia tham gia hiệp ước và đã nộp khoảng 13,7 triệu chữ ký cho LHQ.
Nihon Hidankyo đã đệ trình hàng nghìn lời chứng, ban hành các nghị quyết và lời kêu gọi công khai, cử các phái đoàn hằng năm tới LHQ và nhiều hội nghị hòa bình khác nhau để truyền tải đến thế giới về tính cấp thiết của việc giải trừ vũ khí hạt nhân.