WMO cho rằng đợt nắng nóng hiện nay cần được xem như lời cảnh báo đối với những quốc gia đang thải ngày càng nhiều khí CO2 vào khí quyển Trái đất.
Phát biểu tại họp báo ở Geneva (Thụy Sĩ), Chủ tịch WMO, ông Petteri Taalas cho biết: “Các đợt nóng sẽ xảy ra thường xuyên hơn và xu hướng xấu này sẽ tiếp diễn… ít nhất đến những năm 2026, bất kể các nỗ lực giảm biến đổi khí hậu của chúng ta có thành công đến đâu”. Theo ông Taalas, vì biến đổi khí hậu, các kỷ lục đã bắt đầu bị phá vỡ và “trong tương lai, các đợt nắng nóng này sẽ trở nên bình thường hơn, và chúng ta sẽ chứng kiến những đợt nóng còn kinh khủng hơn nhiều”.
Chủ tịch WMO nhấn mạnh khí thải vẫn đang tăng lên hằng ngày, vì vậy “không có gì chắc chắn rằng chúng ta sẽ chứng kiến mức đỉnh vào năm 2060 nếu không tìm cách đảo ngược đà tăng này, đặc biệt tại các nước phát thải khí nhiều ở châu Á”.
Cũng tại cuộc họp báo trên, người phụ trách mảng khí hậu của WMO, ông Robert Stefanski cho biết điều đáng lo ngại là khoảng thời gian giữa hai lần ghi nhận mức nhiệt cao kỷ lục mới ngày một ngắn hơn. Nhiệt độ cao kỷ lục tại Hy Lạp được ghi nhận vào năm 1977 đã bị phá vỡ vào năm 2021. Nhưng chỉ một năm sau, vào năm nay 2022, nhiệt độ lại đạt tới mức kỷ lục này.
Người phụ trách mảng môi trường, khí hậu và sức khỏe của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), bà Maria Neira nhắc nhở rằng đợt nắng nóng năm 2003 ở châu Âu đã cướp đi tính mạng của hơn 70.000 người. Bà cảnh bảo đợt nóng hiện nay sẽ làm gia tăng số người ốm, bắt đầu từ những bệnh như bị chuột rút do nhiệt, kiệt sức vì nhiệt, đột quỵ, sốt cao…