Đây là kết luận của nhóm khảo cổ sinh học quốc tế tìm hiểu các vấn đề đô thị hiện đại cách đây hàng nghìn năm.
Nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Kỷ yếu của Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia Mỹ, trong đó mô tả cách sống của cư dân ở miền Trung - Nam Thổ Nhĩ Kỳ khi họ chuyển từ đời sống săn bắn du mục bày đàn sang lối sống làm nông nghiệp.
Phế tích cổ Catalhoyuk khởi đầu là một khu định cư nhỏ hinh thành từ khoảng năm 7.100 trước Công nguyên, được các nhà khoa học gọi là Thời kỳ đầu. Khu định cư này phát triển đến đỉnh điểm vào khoảng từ năm 6.700 đến năm 6.500 trước Công nguyên, gọi là Thời kỳ giữa, sau đó dân số giảm nhanh vào Thời kỳ cuối.
Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng trong thời kỳ đỉnh cao dân số ở khu định cư trên gồm 3.500 đến 8.000 người, cư dân tại đây sống trong điều kiện rất đông đúc, nhà cửa xây dựng như những căn hộ không có khoảng cách ở giữa.
Ngoài ra, hố rác và các chuồng nuôi động vật được xây dựng ngay bên cạnh nhà ở, gây ra các vấn đề vệ sinh, một trong những nguyên nhân gây ra các bệnh truyền nhiễm.
Theo nghiên cứu trên, có tới 1/3 hài cốt Thời kỳ đầu khai quật được cho thấy những bằng chứng về tình trạng nhiễm trùng còn lại trên xương. Điều kiện sống kém cũng góp phần làm gia tăng tình trạng bạo lực trong cộng đồng này.
Trong số 93 bộ xương sọ khai quật được ở địa điểm này, 25 bộ có các vết nứt đã lành và 12 bộ trong số này có dấu vết chấn thương nhiều hơn một lần. Hầu hết các vết thương nằm trên đỉnh đầu hoặc phía sau đầu, cho thấy nạn nhân không đối mặt với đối thủ khi họ bị tấn công.
Theo Giáo sư nhân chủng học Clark Larsen tại Đại học bang Ohio - tác giả chính của nghiên cứu trên, nhóm nghiên cứu đã phát hiện số trường hợp chấn thương sọ não gia tăng trong thời kỳ dân số đông nhất và mật độ dày nhất ở khu định cư cổ đại. Từ phát hiện này có thể đưa ra nhận định dân số quá tải dẫn tới gia tăng căng thẳng và xung đột trong cộng đồng.