Theo báo trên, sau khi nhận được những phản ánh của độc giả yêu cầu sửa nội dung bài viết, báo đã tiến hành điều tra công việc của nữ nhà báo Gabriela Miranda và phát hiện một số nhân vật được trích dẫn không liên quan đến các tổ chức nêu trong bài viết và các nguồn tin này có vẻ là bịa đặt. Một số trích dẫn khác không xác minh được. Do đó, USA Today nêu rõ tòa soạn "đã gỡ bỏ 23 bài báo khỏi trang mạng và các nền tảng khác của báo vì không đáp ứng các tiêu chuẩn báo chí của tòa soạn".
Nhà báo Miranda đã xin thôi việc tại báo USA Today.
Báo chí ở Mỹ cũng như ở các nước khác từng đối mặt với những vụ việc phóng viên bị phát hiện bịa đặt nội dung hoặc nguồn tin. Phóng viên kỳ cựu Claas Relotius của tờ Der Spiegel (Đức) năm 2018 bị phát hiện đã bịa đặt các chi tiết và trích dẫn trong nhiều bài viết. Phóng viên Jason Blair của tờ New York Times đã thôi việc năm 2003 khi bị phát hiện “bịa đặt và đạo văn tràn lan” trong nhiều bài viết về các sự kiện lớn như cuộc chiến tranh do Mỹ phát động ở Iraq. Phóng viên Janet Cooke, người từng giành giải thưởng Pulitzer năm 1981 cho một bài viết trên tờ The Washington Post, đã trả lại giải thưởng sau khi bị phát hiện bịa đặt nội dung.