Theo đó, với 5 phiếu thuận và 2 phiếu chống, hội đồng thẩm phán gồm 7 thành viên của Tòa án Tối cao Australia đã hủy phán quyết trước đó rằng tập đoàn Alphabet (công ty mẹ của Google) liên quan việc xuất bản bài báo trên với vai trò là "thư viện" chứa bài báo này.
Vụ kiện Google xuất phát từ một bài báo năm 2004 viết rằng luật sư George Defteros bào chữa cho tội phạm đã vượt quá giới hạn nghề nghiệp và trở thành "bạn tâm giao" của tội phạm. Năm 2016, luật sư này đã tìm thấy đường link dẫn tới bài báo trong một lần tìm kiếm tên mình trên thanh công cụ của Google.
Ông đã đề nghị Google gỡ link sau khi nội dung được 150 người xem, đồng thời đệ đơn kiện lên một tòa án bang. Tòa án này phán quyết rằng Google phải chịu trách nhiệm với vai trò xuất bản nội dung này và phải bồi thường 40.000 AUD (28.056 USD). Google đã kháng cáo Tòa án Tối cao Australia, dẫn tới phán quyết ngày 17/8. Theo hội đồng thẩm phán, bài báo trên do một tờ báo độc lập đăng tải và không thuộc sự quản lý của Google.
Phán quyết mới của Tòa án Tối cao Australia một lần nữa làm dấy lên câu hỏi về trách nhiệm pháp lý của các công ty công nghệ liên quan đến hành vi bôi nhọ danh dự ở Australia. Quá trình đánh giá luật liên quan đến hành vi bôi nhọ danh dự kéo dài nhiều năm qua tại nước này vẫn chưa ra được quyết định cuối cùng rằng liệu những nền tảng lớn như Google hay Facebook có bị truy cứu trách nhiệm hay không.
Năm 2021, Tòa án Tối cao Australia đã ra phán quyết rằng chủ một tờ báo phải chịu trách nhiệm pháp lý về những bình luận phỉ báng bên dưới một bài báo đăng trên Facebook. Sự khác biệt giữa vụ Facebook năm 2021 và vụ được phán quyết ngày 17/8 đối với Google là các công ty truyền thông năm ngoái "khuyến khích bình luận", trong khi Google không cung cấp diễn đàn hay nền tảng để giao tiếp, hay khuyến khích để lại bình luận.