Đài Sputnik (Nga) đưa tin theo dự thảo luật vừa được công bố tuần này tại Ba Lan, các thẩm phán có thể bị cách chức nếu tham gia vào "các hoạt động có tính chất chính trị" hoặc hành động dưới bất kỳ hình thức nào có thể "gây tổn hại cho hoạt động của hệ thống tư pháp" quốc gia.
Theo Tòa án Tối cao Ba Lan, dự luật này đe dọa tính ưu việt của luật pháp châu Âu, vì vậy Warsaw sẽ phải đối mặt với sự phản đối gay gắt từ EU và có khả năng dẫn đến việc Ba Lan rời khỏi liên minh này. Tuy nhiên, Đảng PiS khẳng định điều luật trên là thiết yếu để xóa bỏ tình trạng tham nhũng của các thẩm phán.
Những tranh cãi liên quan đến các cải cách tòa án ở Ba Lan bắt đầu bùng phát năm 2018 khi chính phủ nước này thông qua luật quy định hạ thấp tuổi nghỉ hưu của thẩm phán tại Tòa án Tối cao, đồng nghĩa với việc đa số Hội đồng Tư pháp Quốc gia (NCJ) sẽ được quốc hội đề cử.
Ủy ban châu Âu - cơ quan hành pháp của EU, có vai trò bảo vệ luật pháp EU, tuyên bố các luật này đi ngược lại luật của EU và đã kiện Ba Lan ra Tòa án Công lý châu Âu.
Trước đó, quốc gia Đông Âu này từng mâu thuẫn với Brussels. EU mạnh mẽ chỉ trích Chính phủ Ba Lan vì muốn kiểm soát các thẩm phán tòa án.