Lãnh đạo khu tự trị người Kurd ở Iraq Massud Barzani (phải) và ông Kosrat Rasoul Ali (trái) tại cuộc họp ở Kirkuk ngày 12/9. AFP/TTXVN |
Trong lệnh bắt giữ, tòa án cho biế ông Kosrat Rasul đã gọi quân đội Iraq và cảnh sát liên bang là "các lực lượng chiếm đóng". Rasul - Phó Chủ tịch đảng Liên minh yêu nước Kurdistan (PUK), cũng từng chỉ trích đảng của mình đã không chống lại các lực lượng của chính phủ liên bang Iraq khi lực lượng này tiến về Kirkuk, thành phố phía Bắc Kurdistan. Theo điều 226 Bộ luật hình sự Iraq, tòa đã coi các phát biểu trên của ông Rasul là sự khiêu khích chống lại các lực lượng vũ trang, tội danh có thể dẫn tới án 7 năm tù giam hoặc phạt tiền.
Hồi tuần trước, tòa án trên cũng đã ra lệnh bắt giữ 3 quan chức cấp cao người Kurd vì tổ chức cuộc trưng cầu ý dân ngày 25/9 vừa qua đòi độc lập bất chấp sự phản đối của Baghdad. Trước đó, Tòa án Tối cao Iraq đã phán quyết cuộc bỏ phiếu này là vi hiến và yêu cầu hủy bỏ kế hoạch trưng cầu.
Các lệnh bắt giữ trên nhiều khả năng khó được thực thi bởi các lực lượng an ninh Baghdad không hoạt động bên trong vùng Kurdistan. Tuy nhiên, các quan chức bị nêu tên trong lệnh cấm này sẽ không thể rời khỏi khu tự trị của mình.
Trước đó, quân đội Chính phủ Iraq đã dễ dàng giành quyền kiểm soát Kirkuk khi hầu hết các lực lượng người Kurd (Peshmerga) tự nguyện rút đi. Quân chính phủ cũng giành lại quyền kiểm soát các mỏ dầu ở Kirkuk, ngăn chặn nguồn thu nhập chính cho Chính quyền tự trị người Kurd nhằm phản đối cuộc trưng cầu ý dân trái phép nói trên. Tuy nhiên, một quan chức Bộ Dầu mỏ Iraq cho biết chính quyền trung ương khó có thể khôi phục sản lượng tại mỏ dầu Kirkuk tương đương mức trước ngày 15/10, đồng thời cáo buộc chính quyền khu tự trị người Kurd đã tháo dỡ các thiết bị tại các mỏ dầu Bai Hasan và Avana.
Khoảng 100.000 người Kurd đã rời Kirkuk do lo ngại các cuộc trả đũa sắc tộc. Thị trưởng Erbil, thủ phủ vùng Kurdistan, ông Nawad Hadi cho biết khoảng 18.000 hộ gia đình đã rời Kirkuk và thị trấn Tuz Khurmato để lánh nạn tại Erbil và Sualimaniya, hai thành phố nằm sâu bên trong lãnh thổ Kurdistan.
Kirkuk là thành phố đa sắc tộc với hơn 1 triệu dân. Cộng đồng Hồi giáo dòng Sunni chiếm đa số, sau đó là người Thổ theo dòng Shiite, người Arab dòng Sunni và người Thiên Chúa giáo. Vì vậy, sau khi quân Chính phủ Iraq giành lại Kirkuk, thành phố này có nguy cơ trở thành mục tiêu tấn công của các lực lượng bán quân sự theo dòng Hồi giáo Shiite.
Điều phối viên nhân đạo của Liên hợp quốc Lisa Grande ngày 18/10 kêu gọi tất cả các bên nỗ lực hết sức để bảo vệ tất cả dân thường bị tác động bởi tình hình hiện nay. Cùng ngày, Thủ tướng Iraq Haider al-Abadi cho biết an ninh tại Kirkuk được lực lượng cảnh sát địa phương đảm bảo. Lực lượng này phối hợp với Đơn vị Chống khủng bố tinh nhuệ, được Mỹ huấn luyện và vũ trang để đấu tranh chống các tay súng thuộc tổ chức "Nhà nước Hồi giáo" (IS) tự xưng. Ông Abadi khẳng định tất cả các nhóm vũ trang khác đều không được phép hoạt động tại đây.