Đây là phán quyết của Tòa án Hiến pháp Hungary ngày 10/12 sau khi chính phủ của Thủ tướng Viktor Orban không thừa nhận phán quyết của tòa án EU cho rằng Budapest vi phạm luật EU bảo vệ người di cư khi trục xuất họ đến biên giới với Serbia.
Trong phán quyết của mình, Tòa án Hiến pháp Hungary cho biết họ không xem xét vấn đề luật của EU đứng trên luật của Hungary dựa trên lập trường của Chính phủ Hungary về vấn đề người nhập cư.
Bộ trưởng Tư pháp Hungary Judit Varga trước đó đã bác bỏ phán quyết của tòa án EU vì cho rằng việc thực hiện phán quyết của Tòa án Công lý châu Âu sẽ dẫn đến việc nhiều người di cư ở lại Hungary vĩnh viễn.
Thủ tướng Orban cũng cho rằng các tranh chấp giữa Hiến pháp Hungary với quy định của EU nên chuyển sang Tòa án Hiến pháp Hungary. Ông Orban cũng cho biết nếu phán quyết của Tòa án Hiến pháp Hungary có lợi cho chính phủ nước này, ông sẽ thúc đẩy EU cải cách các quy định về người di cư.
Một nước láng giềng của Hungary là Ba Lan cũng đã gây ra cuộc khủng hoảng pháp lý trong EU trong năm 2021 với việc Tòa án Hiến pháp nước này phán quyết rằng một số điều khoản của các hiệp ước của EU không tương thích với Hiến pháp Ba Lan.
Cụ thể, ngày 7/10 vừa qua, Tòa án Hiến pháp Ba Lan ra phán quyết rằng một số phần của các hiệp ước mà Ba Lan ký để trở thành thành viên EU không thể được coi là quan trọng hơn Hiến pháp Ba Lan. Tòa án Hiến pháp Ba Lan cũng cho biết họ không chỉ có quyền xem xét tính hợp hiến của luật pháp EU, mà còn có cả các phán quyết của Tòa án Công lý châu Âu, cơ quan pháp lý cao nhất của EU.
Hiện nhiều cử tri ở cả Ba Lan và Hungary đều bày tỏ thái độ ủng hộ chính phủ của họ, bởi đa phần đều tỏ thái độ bất bình với nhiều biện pháp xã hội mà EU áp đặt đối với quốc gia của họ.