Theo phóng viên TTXVN tại Pháp, quyết định này mở đường cho việc kết thúc cuộc chiến pháp lý kéo dài từ năm 2007 liên quan đến vụ ông Paul François, một nông dân trồng ngũ cốc ở Charente, bị ngộ độc sau khi hít phải hơi thuốc diệt cỏ Lasso do Monsanto sản xuất. Ông François đã đệ đơn kiện Monsanto và 3 lần thắng kiện, lần cuối cùng vào tháng 4/2019 tại Lyon.
Sau khi bác đơn kháng cáo, Tòa giám đốc thẩm kết luận rằng tòa án sẽ tiến hành một phiên tòa khác để xác định những thiệt hại và mức đền bù mà ông François yêu cầu.
Ông François bị ngộ độc vào tháng 4/2004 sau khi hít phải hơi thuốc diệt cỏ Lasso. Ông đã phải nằm viện trong một thời gian dài, bị chứng rối loạn thần kinh nghiêm trọng, thậm chí có thời điểm cận kề cái chết.
Khi được biết đây là một căn bệnh nghề nghiệp, ông đã tiến hành một cuộc đấu tranh pháp lý để buộc Monsanto phải thừa nhận trách nhiệm, và yêu cầu bồi thường hơn 1 triệu euro (1,2 triệu USD). Ông đã thắng kiện ở tòa sơ thẩm năm 2012 và tòa phúc thẩm năm 2015. Monsanto đã kháng cáo lần đầu tiên lên giám đốc thẩm và vụ án được chuyển đến tòa án tại Lyon.
Vào tháng 4/2019, công ty hóa chất này một lần nữa bị kết án phải chịu trách nhiệm về thiệt hại gây ra cho ông Paul François, trên cơ sở "trách nhiệm đối với sản phẩm bị lỗi". Bayer, tập đoàn của Đức đã chi 63 tỷ USD để thâu tóm Monsanto vào năm 2018, sau đó đệ đơn kháng cáo lần thứ hai lên tòa án cao nhất trong ngành tư pháp.
Ngoài vụ việc trên, Bayer đang đối mặt với loạt rắc rối pháp lý tại Mỹ liên quan đến thuốc diệt cỏ Roundup của Monsanto với lý do chất glyphosate có trong sản phẩm này bị nghi gây ung thư. Chuyên gia của hãng khẳng định các nghiên cứu khoa học ủng hộ lập trường chất glyphosate không gây rủi ro cho sức khỏe con người, với việc các cơ quan quản lý trên toàn cầu đã chứng nhận sản phẩm này an toàn nếu được sử dụng đúng mục đích và tuân thủ hướng dẫn. Bayer đã đồng ý chi 11 tỷ USD để dàn xếp những vụ kiện tại Mỹ.