Chính phủ Pháp từng làm trung gian cho thỏa thuận mang tính bước ngoặt về môi trường, mang tên Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu, nhưng đã bị thị trấn duyên hải miền Bắc Grande-Synthe khiếu nại ra trước Hội đồng Nhà nước - nơi được coi là tòa án tối cao chuyên giải quyết các tranh chấp liên quan đến chính sách công.
Hội đồng Nhà nước đã ghi nhận rằng "trong khi Pháp tự cam kết giảm 40% khí thải vào năm 2030 so với mức năm 1990, thì những năm gần đây, Pháp đã vượt quá "ngân sách CO2" tự đặt ra cho mình".
Hội đồng cũng ghi nhận rằng trong một sắc lệnh hồi tháng 4, chính phủ của Tổng thống Emmanuel Macron đã ngăn cản nhiều nỗ lực giảm khí thải sau năm 2020. Bất chấp lời hứa của Tổng thống Macron năm 2017 "làm cho hành tinh vĩ đại trở lại", nước Pháp vẫn còn quá xa hành trình thực hiện các cam kết trong Hiệp định Paris năm 2015.
Trước khi ra phán quyết về việc này, Hội đồng Nhà nước đã cho chính phủ 3 tháng để giải thích "tại sao việc họ từ chối áp dụng các biện pháp bổ sung là phù hợp với lộ trình giảm khí thải đã chọn để hướng đến các mục tiêu năm 2030".
Luật sư Corinne Lepage của thị trấn Grande Synthe hoan nghênh quyết định của tòa là "lịch sử", đồng nghĩa với việc "các chính sách phải nhiều hơn những cam kết trên giấy".
Tháng 1/2019, Thị trưởng Grande-Synthe, ông Damien Careme đã khiếu nại Hội đồng Nhà nước về việc chính phủ không hành động gì để chống biến đổi khí hậu. Ông cho biết thị trấn gồm 23.000 dân của ông được xây dựng trên đất khai hoang từ biển nên có nguy cơ lũ lụt khi nước biển dâng cao.
Trường hợp thị trấn Grande-Synthe nhận được sự ủng hộ của nhiều thành phố, trong đó có Paris và Grenoble, cũng như một số tổ chức phi chính phủ về môi trường như Oxfam Pháp và Greenpeace Pháp. Đây là trường hợp mới nhất trong một loạt vụ khiếu nại mà các nhà bảo vệ môi trường đưa ra chống lại các chính phủ trên khắp thế giới.