Theo báo chí Thái Lan, kế hoạch tái cơ cấu sẽ được tiến hành trong nhiều năm nhằm tìm cách tăng thêm nguồn vốn, đồng thời giảm mạnh nhân sự và số lượng máy bay. Mục tiêu trước mắt của Thai Airways là tìm kiếm một khoản vay, trị giá khoảng 1,78 tỷ USD trong thời gian ngắn, để trang trải tài chính cho chi phí vận hành và trả lương. Từ nay đến cuối năm, Thai Airway phải đạt được chấp thuận của các chủ nợ đối với kế hoạch tái cơ cấu.
Tòa án Phá sản đã nhất trí đề nghị của Thai Airways về kế hoạch tái cơ cấu. Dự kiến, Thai Airways sẽ đệ trình kế hoạch này vào cuối năm.
Sau nhiều năm gánh chịu các khoản nợ chồng chất của Thai Airways, tháng 5 vừa qua, Chính phủ Thái Lan đã quyết định giảm cổ phần tại hãng hàng không này, đồng thời đưa những vướng mắc của Thai Airways ra giải quyết tại CBC.
Trong vài năm qua, Thai Airways từng nhiều lần tiến hành tái cơ cấu nhưng chưa thể giải quyết triệt để hàng loạt vấn đề mang tính hệ thống dai dẳng. Công ty này đã gặp nhiều vấn đề tài chính ngay cả trước đại dịch do những vấn đề được cho là quản lý yếu kém, phi đội tàu bay cũ kỹ và ngốn quá nhiều nhiên liệu.
Tất cả các chỉ số hiện nay đều đáng báo động đối với Thai Airways - một công ty vốn được xem là hãng hàng không tốt thứ 2 thế giới vào năm 2007 và vừa tròn 60 "tuổi" trong năm 2020. Thai Airways đã thua lỗ gần 900 triệu USD trong quý I/2020, trong khi tổng nợ đã lên tới 10,6 tỉ USD tính đến cuối tháng 6.
Dịch COVID-19 đã đẩy ngành hàng không toàn cầu rơi vào cuộc khủng hoảng nghiêm trọng. Tuy các lệnh cấm du lịch đã được dỡ bỏ nhưng nhiều biện pháp hạn chế vẫn được áp đặt khiến phần lớn các hãng hàng không đã phải giảm hoạt động của một lượng lớn máy bay và tìm kiếm sự hỗ trợ của chính phủ.