Tòa án Tối cao đã chấp thuận đơn kháng cáo của nhà sử học Jenny Hocking, qua đó đảo ngược phán quyết trước đó của tòa cấp thấp rằng hơn 200 bức thư trao đổi giữa Nữ hoàng Anh, hiện 94 tuổi, và cựu Toàn quyền Australia John Kerr, người đại diện cho Nữ hoàng tại Australia lúc bấy giờ, trước khi ông bãi nhiệm Chính phủ của Thủ tướng Whitlam là thuộc về cá nhân và có thể sẽ không bao giờ được công khai.
Nhà sử học Hocking thuộc Đại học Monash cho biết sẽ đọc 211 lá thư được lưu trữ trong Văn khố quốc gia Australia tại thủ đô Canberra vào tuần tới khi lệnh phong tỏa chống dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 được dỡ bỏ. Bà cho rằng việc xem hoạt động liên lạc giữa các quan chức chủ chốt trong chính phủ Australia là thuộc về cá nhân và bí mật là điều vô lý.
Việc Thủ tướng Gough Whitlam bị Toàn quyền John Kerr bãi nhiệm vào năm 1975 đã gây ra cuộc khủng hoảng Hiến pháp của Australia khi đó. Cho đến nay, ông Whitlam là Thủ tưởng duy nhất của Australia bị cách chức theo cách đó. Kể từ năm 2016, nhà sử học Hocking, tác giả hồi ký của cố Thủ tướng Whitlam, đã kiện Văn khố quốc gia để được đọc những lá thư do cố Toàn quyền Kerr gửi tới Nữ hoàng Elizabeth II thông qua người thư ký riêng quá cố Martin Charteris trong thời điểm trước khi xảy ra vụ bãi nhiệm Chính phủ Thủ tướng Whitlam.
Do được xem là những lá thư riêng giữa Nữ hoàng và cựu Toàn quyền, chúng không được xem là tài liệu của chính phủ liên bang, và vì vậy không được công bố theo luật định. Theo bà Hocking, việc công bố những lá thư trên có ý nghĩa quan trong về mặt lịch sử, giúp công chúng hiểu chuyển gì đã xảy ra bởi việc bãi nhiệm một chính phủ dân cử là điều chưa từng xảy ra. Quyết định này cũng đã gây ra nhiều biến động về mặt chính trị và xã hội vào thời điểm bấy giờ.
Tuy nhiên, theo một thỏa thuận đạt được giữa Điện Buckingham và Phủ Toàn quyền, nơi ở chính thức của Toàn quyền Australia, vài tháng trước khi ông Kerr từ chức năm 1978, những lá thư chứa đựng bối cảnh lịch sử của một trong những giai đoạn bất ổn nhất trên chính trường Australia sẽ được giữ bí mật cho đến năm 2027. Do đó, các thư ký riêng của Nữ hoàng Elizabeth II và cựu Toàn quyền Kerr vẫn có thể bác bỏ việc công bố những bức thư này theo thỏa thuận trên.
Trong khi đó, một số ý kiến cũng cảnh báo rằng quyết định trên của Tòa án Tối cao có thể tạo ra một cuộc khủng hoảng hiến pháp nếu những quan điểm cá nhân của Nữ hoàng Elizabeth II được công bố.
Lên nắm quyền vào năm 1972, cố Thủ tướng Whitlam được biết đến với những cải cách sâu rộng giúp xã hội Australia chuyển mình vào những năm 1970. Mặc dù chỉ nắm quyền đến tháng 11/1975, song những cống hiến của ông cho đất nước trong thời gian ngắn ngủi đó vẫn được người dân ca ngợi. Ông qua đời vào tháng 10/2014 ở tuổi 98.