Theo phóng viên TTXVN tại Washington, ngày 28/10, Tòa án Tối cao Mỹ đã bác bỏ nỗ lực của ê kíp vận động tái tranh cử của Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng như đảng Cộng hòa nhằm đảo ngược quyết kéo dài thêm 6 ngày để nhận phiếu bầu qua đường bưu điện của cử tri tại bang North Carolina. Mặc dù nhận được sự ủng hộ của ba thẩm phán bảo thủ nhưng yêu cầu của đảng Cộng hòa không đạt được đủ 5 phiếu cần thiết để ngăn chặn việc gia hạn.
Phán quyết trên được cho là một đòn giáng mạnh vào các nỗ lực của Tổng thống Trump và ê kíp vận động tái tranh cử trong bối cảnh các cuộc thăm dò cho thấy ông và đối thủ của đảng Dân chủ Joe Biden đang ganh đua khốc liệt tại bang "chiến địa" này. Đây là bang mà Tổng thống Trump buộc phải giành chiến thắng để có gia tăng cơ hội tái đắc cử .
Trước đó, các thành viên đảng Cộng hòa tại bang North Carolina đã đệ đơn lên Tòa án Tối cao Mỹ yêu cầu hủy bỏ quyết định của một tòa án cấp cao nhất của bang này, theo đó, đồng ý với yêu cầu của đảng Dân chủ về việc kéo dài thời gian nhận phiếu bầu qua bưu điện. Thời hạn nhận phiếu bầu đóng dấu bưu điện trước ngày bầu cử 3/11 được kéo dài thêm 6 ngày đến ngày 12/11, thay vì ngày 6/11 như thời hạn ban đầu. Đảng Cộng hòa cho rằng đề xuất kéo dài thời hạn trên là hành động sai trái của Hội đồng Bầu cử bang North Carolina và những thay đổi vào phút chót như vậy dễ gây ra sự nhầm lẫn, có nguy cơ làm thay đổi kết quả bầu cử và tổn hại niềm tin của cử tri đối với kết quả bầu cử.
Theo số liệu do Raleigh News and Observer công bố, khoảng 1,4 triệu cử tri tại bang North Carolina đã đăng ký bỏ phiếu qua đường bưu điện, cao gấp gần 7 lần so với cùng thời điểm trong cuộc bầu cử năm 2016. Các cuộc thăm dò cho thấy những người ủng hộ ứng cử viên đảng Dân chủ Joe Biden có khả năng bỏ phiếu theo hình thức này cao gấp đôi so với các cử tri ủng hộ Tổng thống Trump. Đảng Cộng hòa cho rằng việc bỏ phiếu qua bưu điện sẽ dẫn đến tình trạng gian lận phiếu bầu, dù nhiều chuyên gia về bầu cử cho rằng tuyên bố trên không có bằng chứng rõ ràng.
Đây là thất bại thứ hai của đảng Cộng hòa và ê kíp tranh cử của đương kim Tổng thống Trump trong việc ngăn cản các chính khách đảng Dân chủ và nhóm vận động tranh cử của ứng cử viên Joe Biden nhằm kéo dài thời gian tính phiếu bầu cử gửi qua đường bưu điện, vốn được xem như một ưu thế đáng kể cho ông Biden đối với cuộc đua vào Nhà Trắng năm nay. Trước đó cùng ngày, Tòa án Tối cao Mỹ cũng đã bác nỗ lực của đảng Cộng hòa nhằm ngăn chặn việc gia hạn thời gian tính phiếu bầu được gửi qua bưu điện tại bang Pennsylvania. Cả bang North Carolina và bang Pennsylvania đều được xem là bang có ý nghĩa quan trọng đối với cơ hội tái đắc cử của ông Trump.
Tranh chấp pháp lý tại bang North Carolina chỉ là một trong số các vụ kiện liên quan đến bầu cử đang diễn ra tại nhiều bang ở Mỹ xung quanh các quy định về kiểm phiếu.
Liên quan tới thế trận hiện nay trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ 2020, ngày 28/10, hãng Cook Political Report đã chuyển bang Texas từ bang "nghiêng về đảng Cộng hòa" thành bang "dao động". Quyết định này là một chỉ báo nữa cho thấy "thành trì" lâu năm của đảng Cộng hòa cuối cùng cũng có thể chuyển sang "màu xanh lam" (ủng hộ đảng Dân chủ). Các cuộc thăm dò ở bang Texas cho thấy ứng cử viên Biden của đảng Dân chủ đang tạm có lợi thế so với Tổng thống Trump, người đã giành chiến thắng tại bang này trước đối thủ Hillary Clinton trong cuộc bầu cử năm 2016.
Trong khi ông Biden không nhất thiết phải có được Texas để tiến tới mục tiêu có được 270 phiếu đại cử tri, bang này có ý nghĩa hơn nhiều đối với chiến dịch tái tranh cử của ông Trump. Theo Cook Political Report, để gia tăng cơ hội tái đắc cử, Tổng thống Trump cần phải giành chiến thắng ở các bang "dao động", bao gồm cả khu vực bầu cử số 2 của bang Maine. Ngoài ra, ứng cử viên đảng Cộng hòa cũng cần phải giành chiến thặng tại ít nhất 2 trong số 7 bang "nghiêng về đảng Dân chủ" theo phân loại của Cook Political Report.
Ông Biden và các thành viên của đảng Dân chủ đang ngày càng hướng sự chú ý sang Texas, khi chi nhiều tiền và thực hiện các chuyến vận động tranh cử tại bang này. Đảng Dân chủ cho biết sự chuyển hướng này là do số lượng đông đảo cử tri đi bỏ phiếu sớm ở bang này, lên mức cao kỷ lục hôm 26/10 vừa qua khi có tới 46% số cử tri đã đăng ký ở Texas đã bỏ phiếu.