Ông Bhadrakali Pokhare - một quan chức tòa án Nepal cho biết: “Đề xuất giải tán Hạ viện và thông báo giải tán Quốc hội đã bị các thẩm phán bác bỏ”.
Các thẩm phán đã nghe hơn 10 đơn kiến nghị chỉ trích động thái của Thủ tướng Oli là vi hiến và kêu gọi khôi phục Hạ viện. Trong khi đó, Thủ tướng Oli bảo vệ quyết định của mình, cho rằng Đảng Cộng sản Nepal cầm quyền không hợp tác với chính phủ về việc bổ nhiệm các quan chức vào một số ủy ban như các ủy ban chống tham nhũng và nhân quyền quốc gia, cũng như nhiều quyết sách khác. Tuy nhiên, các thẩm phán đã bác bỏ điều này và tuyên bố Quốc hội phải được triệu tập trong vòng 13 ngày tới.
Tòa khẳng định: "Hạ viện được khôi phục và có đủ thẩm quyền để hoạt động".
Phán quyết trên cũng đồng nghĩa với việc Thủ tướng Oli phải đối mặt với một cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm.
Thủ tướng Oli và các trợ lý hiện chưa đưa ra bình luận, trong khi các luật sư của ông cho biết sẽ tôn trọng quyết định của tòa án.
Nepal rơi vào bất ổn chính trị kể từ tháng 12/2020 khi Thủ tướng K.P. Sharma Oli bất ngờ giải tán Quốc hội và kêu gọi tổ chức các cuộc bầu cử sớm vào tháng 4 và 5 tới do những bất đồng trong nội bộ đảng cầm quyền. Sau khi Quốc hội giải tán, các đảng đối lập cũng như nhiều người phản đối trong đảng cầm quyền đã kêu gọi các cuộc biểu tình trên khắp cả nước.